Ngày 26/8/2014, trên trang web Ktdt.vn có đăng bài "Mập mờ chi phí và lợi nhuận" của tác giả Nguyên Anh. Sau đây Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam xin đăng tải nguyên văn bài viết, đồng thời thể hiện quan điểm của Hiệp hội về nội dung bài viết này.
Người tiêu dùng mới chỉ vui mừng được ít ngày khi giá xăng dầu trong nước giảm, thì nhiều thông tin cho biết, doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đang có đề xuất điều chỉnh chi phí định mức cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Người tiêu dùng mới chỉ vui mừng được ít ngày khi giá xăng dầu trong nước giảm, thì nhiều thông tin cho biết, doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đang có đề xuất điều chỉnh chi phí định mức cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Việc DN đề nghị tăng thêm chi phí định mức không phải là mới nhưng luôn là vấn đề nóng bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới cả người dân và DN.
Chưa bằng lòng với lợi nhuận
Chi phí định mức kinh doanh xăng dầu hiện bao gồm các khoản thù lao hoa hồng đại lý, cước vận chuyển hàng từ cảng về kho, chi phí quản lý vận hành của DN… Tổng chi phí định mức kinh doanh xăng dầu được Bộ Tài chính cho phép là 500 đồng/kg dầu mazut và 860 đồng/lít xăng, (con số này từ 2013 đã được nâng lên thêm 260 đồng so với mức 600 đồng được quy định trước đó).
Ảnh minh họa.Nguồn: Internet.
Đại diện nhiều DN cho biết, con số 860 đồng/lít như quy định hiện hành của Bộ Tài chính đến nay đã không còn phù hợp, các chi phí hao hụt, chi phí quản lý tài chính… vẫn chưa được tính vào cơ cấu giá cơ sở để điều hành giá xăng dầu. Nếu cộng chi ly các khoản phí thì tổng số tiền DN đầu mối phải chi ra cho mỗi lít xăng lớn hơn nhiều, thực tế hiện nay phải từ 1.200 đồng trở lên. Nếu đề xuất này được chấp thuận thì giá cơ sở mỗi lít xăng dầu sẽ phải thêm 400 đồng. Đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay, đã nhận được báo cáo thực tế chi phí kinh doanh định mức của các DN kinh doanh xăng, dầu. Hiện, Cục đang cho rà soát tổng thể trước khi đưa ra mức cụ thể.
"Liệu chi phí kinh doanh định mức là 860 đồng/lít đối với xăng dầu hiện nay đã đúng? Tại sao DN luôn kêu mức này là không phù hợp, kinh doanh khó khăn, nhưng thực tế DN lại có lợi nhuận như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chẳng hạn, 6 tháng đầu năm lãi trước thuế 856 tỷ đồng?" - Chuyên gia Ngô Trí Long đặt câu hỏi.
Thiếu công khai minh bạch
Căn cứ để tính giá cơ sở cho mặt hàng xăng dầu bao gồm 3 hạng mục chính: Giá bình quân thế giới, các loại thuế, chi phí và lợi nhuận định mức của DN. Dù kêu ca giảm lợi nhuận vì chi phí định mức Bộ Tài chính quy định quá thấp, nhưng hiện nay, trên thị trường xăng dầu đang diễn ra một nghịch lý, đó là thù lao hoa hồng cho các đại lý đang bị "phá giá". Cụ thể, trong cơ cấu chi phí định mức 860 đồng/lít, Bộ Tài chính cũng ấn định mức thù lao được phép chi trả cho tổng đại lý, đại lý bán lẻ xăng dầu tối đa là 50%, tức mức cao nhất là 430 đồng/lít xăng. Thế nhưng, mặc dù kêu lỗ, mức phí ấn định mà cơ quan quản lý đưa ra lỗi thời, khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng, nhưng DN vẫn "lén lút" chi trả hoa hồng cho đại lý cao hơn.
Chưa hết, định mức hao hụt tự nhiên về xăng dầu hiện nay do các DN đầu mối tự xây dựng, ban hành và thực hiện, cơ quan Nhà nước không thẩm định nên việc quản lý chi phí này trong giá vốn hàng bán còn mang tính chủ quan. Do đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đề xuất tăng chi phí định mức sẽ chỉ hợp lý khi DN đã thực hiện tiết kiệm, giảm chi phí và thực hiện đúng quy định trích hoa hồng…
Cách đây vài ngày, giá xăng bán lẻ đã được điều chỉnh giảm 600 đồng/lít. Nhiều ý kiến cho rằng, giá xăng lẽ ra phải giảm sâu hơn. Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam - Vinpa tới các cơ quan phòng, chống buôn lậu cho thấy, gần đây hoạt động buôn lậu xăng dầu lại bùng phát ở nhiều vùng biển: Thanh Hóa, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Câu trả lời là do giá dầu diesel trong nước đã quá cao so với giá dầu diesel ở các nước xung quanh dẫn đến hành vi nhập lậu ngược trở lại Việt Nam để kiếm lời. Chính Vinpa cũng phải thừa nhận tình trạng buôn lậu xảy ra do "chênh lệch giá quá lớn từ 3.000 - 5.000 đồng/lít (dầu diesel)". Do đó, thay vì làm các kiến nghị khẩn cấp tới cấp này, cấp kia đề nghị tăng cường lực lượng chống buôn lậu, đề nghị tăng chi phí định mức, Vinpa nên đề nghị các công ty nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu đầu mối trong nước tiếp tục giảm giá dầu diesel và các loại giá xăng dầu khác nếu còn quá chênh với giá xăng dầu trong khu vực.
Chuyên gia Ngô Trí Long:
"Cần minh bạch chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận DN gồm các chi phí cố định và chi phí biến đổi để có thể đánh giá sự biến động của các chi phí mà DN phải thực hiện. Khi đưa ra mức cụ thể cần phải khảo sát, đánh giá cơ sở khoa học và thực tiễn, không đưa ra mức theo chủ quan của cơ quan quản lý hoặc theo sự đề nghị của các DN."
Quan điểm của VINPA Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã đọc bài “Mập mờ chi phí và lợi nhuận” của tác giả Nguyễn Anh đăng trên báo kinh tế và đô thị ngày 26-8-2014. Sau đây là quan điểm của chúng tôi để làm rõ thêm về nội dung của bài viết. 1- Theo quy định tại Thông tư 234/2009/TT-BTC ngày 09-12-2009 chi phí kinh doanh định mức là chi phí lưu thông xăng dầu (chi phí bán buôn, chi phí bán lẻ) trong nước của các thương nhân đầu mối (đã bao gồm chi phí dành cho Tổng đại lý, Đại lý) để tính giá cơ sở theo mức tối đa… Các mức chi phí kinh doanh định mức tối đa trên sẽ được Bộ Tài chính thông báo điều chỉnh phù hợp với thực tế kinh doanh của các thương nhân đầu mối trong từng thời kỳ”. Việc điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức từ 600đ/lít đối với xăng, Diesel, dầu hỏa (Thông tư 234/2009/TT-BTC) lên 860đ/lít (Thông báo 135/TB-BTC ngày 28-3-2013) là phù hợp với các quy định hiện hành cũng như tình hình thực tế tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, chi phí định mức theo thông báo 135 cũng cần phải bổ sung thêm một số chi phí như: Hao hụt nhập khẩu, tài chính phát sinh do vay vốn để nộp ngay thuế trước khi bán hàng, chênh lệch tỉ giá. Hiệp hội một mặt đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tiết giảm chi phí, một mặt đã đề nghị các cơ quan quản lý khảo sát cụ thể, xác định chi phí hợp lý để đảm bảo công bằng, tránh gây thiệt thòi cho doanh nghiệp cũng như gây bức xúc cho người tiêu dùng. Trả lời câu hỏi của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long “Tại sao DN luôn kêu mức này (chi phí định mức) là không phù hợp, kinh doanh khó khăn, nhưng thực thế doanh nghiệp lại có lợi nhuận như Tập đoàn xăng dầu Việt Nam 6 tháng đầu năm lãi trước thuế 856 tỷ đồng”. Xin thưa chuyên gia – Số 856 tỷ đồng là lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Tập đoàn, còn lợi nhuận doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trước thuế của tập đoàn chỉ là 260 tỷ. Với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, liên Bộ Tài chính – Công thương không kết cấu đủ lợi nhuận định mức trong giá cơ sở, bình quân lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2014: Xăng = 182 đ/lít, Diesel = 273 đ/lít, dầu hỏa = 190 đ/lít. Như vậy, việc các doanh nghiệp xăng dầu kinh doanh có lãi là sự nỗ lực rất lớn và rất đáng hoan nghênh. 2- Về vấn đề buôn lậu xăng dầu trên biển, bản chất không phải như quý báo đã nêu: “Do chênh lệch giá quá cao so với giá dầu Diesel ở các nước xung quanh, dẫn đến hành vi nhập lậu xăng dầu ngược trở lại Việt Nam để kiếm lời”. Theo số liệu chúng tôi có được thì giá xăng dầu ở Lào và Cămpuchia đều cao hơn giá bán tại Việt Nam, riêng ở Thái Lan giá bán xấp xỉ giá bán tại Việt Nam và có một số nước xung quanh áp dụng chính sách bảo hộ nên giá diesel thấp hơn giá dầu diesel của Việt Nam. Chúng ta đều biết, giá bán xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá Thế giới, việc xây dựng giá cơ sở quy định tại Nghị định 84-CP làm căn cứ để điều hành giá bán xăng dầu trong nước trong từng thời kỳ (công thức tính giá, chu kỳ tính giá, tần suất điều chỉnh giá), từ đó liên Bộ Tài chính – Công thương quyết định mức giá cụ thể hay áp dụng các biện pháp bình ổn giá. Trong những lần điều chỉnh giá xăng dầu, liên bộ đều công khai diễn biến giá Thế giới và giá cơ sở, các biện pháp bình ổn giá cũng được công khai. Mặt khác, Nhà nước thu các khoản thuế, phí qua xăng dầu là: Xăng 8.271 đ/lít chiếm 32,26% giá bán lẻ, Diesel 4.822 đ/lít chiếm 21,26% giá bán lẻ. Các đối tượng buôn lậu thực chất là trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, gây lũng đoạn thị trường xăng dầu, làm ảnh hưởng đến điều hành an ninh năng lượng, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chân chính. Chính vì vậy, Hiệp hội đã có văn bản báo cáo Ban chỉ đạo 389 quốc gia để tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát buôn lậu xăng dầu trên biển. Hiệp hội xin cảm ơn tác giả Nguyễn Anh và có vài thông tin xin được chia sẻ cùng tác giả. |
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu: VCCI vạch ra nhiều bất cập(31/07/2024)