Yêu cầu nộp ngay chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) khi nhập khẩu (NK) xăng, dầu và chuẩn bị áp dụng tiêu chuẩn khí thải với ô-tô, xe gắn máy theo chuẩn mới đã và đang gây khó cho doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng, dầu trong mấy tháng cuối năm 2016 và đầu năm 2017 tới.
Khách hàng mua xăng tại cửa hàng của Công ty xăng dầu Khu vực I, đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. Ảnh: Quang Minh
Chậm nộp C/O, DN bị chiếm dụng vốn
Ngày 14-9-2016, Bộ Tài chính ban hành Văn bản số 12802/BTC-TCHQ về thời điểm nộp C/O, theo đó, người NK phải nộp ngay C/O tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới được hưởng ưu đãi thuế quan. Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, đây là thủ tục hành chính để dựng lên hàng rào kỹ thuật với xăng, dầu NK, khi xăng, dầu trong nước chưa đáp ứng nhu cầu, chưa có thương nhân nước ngoài tham gia thị trường. Hàng rào này không nâng cao chất lượng, không thay đổi bản chất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa và chỉ có DN Việt Nam chịu thiệt, khi vẫn NK hàng hóa đó, xuất xứ đó với chi phí cao hơn, rủi ro nhiều hơn. Thí dụ: để có ngay C/O mẫu D phải mua hàng sớm hơn, gửi lại kho nước ngoài chờ cấp C/O mới NK về nước. Như vậy phải tăng thêm chi phí!
Hiện tại, DN NK xăng, dầu vào Việt Nam áp dụng hình thức phổ biến là tại thời điểm NK, do chưa có C/O mẫu D, cho nên tạm nộp theo thuế suất MFN (quy chế tối huệ quốc). Khi có C/O, xuất trình cơ quan hải quan để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt và hoàn lại phần thuế đã tạm nộp theo MFN trước đây (thuế suất MFN thường cao hơn thuế suất ưu đãi đặc biệt). Nguyên nhân nhà NK chưa thể xuất trình ngay C/O mẫu D bản gốc tại thời điểm nộp hồ sơ NK để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt, do đặc thù và tập quán mua bán quốc tế riêng mặt hàng xăng, dầu. Tập quán quốc tế là tính bình quân nhiều ngày giao dịch trước và sau ngày nhận hàng để bảo đảm tính ổn định, khách quan của giá mua bán. Vì vậy, để có được C/O phải mất một thời gian nhất định. Điều này được chấp nhận trong các FTA (hiệp định thương mại tự do) nước ta tham gia và được nội luật hóa tại Thông tư số 21/2010/TT-BCT, ngày 17-5-2010, theo đó chấp nhận hợp lệ của C/O cấp sau. Cách làm này vẫn có nhược điểm là DN mất thời gian (trung bình ba, bốn tháng sau khi NK) mới được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt và được hoàn khoản chênh lệch so với thuế MFN, chưa kể trường hợp cần kiểm tra, xác minh C/O còn lâu hơn. Đồng nghĩa với một khoản tiền của DN bị chiếm dụng.
Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu cải tiến quy trình này, giúp DN trong nước giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh, khi từ nửa đầu năm 2017 thị trường xăng, dầu nội địa có sự tham gia của DN nước ngoài (như Công ty TNHH xăng dầu Idemitsui Q8).
Tăng đầu tư bảo đảm tiêu chuẩn khí thải mới
Hiện nay, tất cả các loại xe ô-tô, xe mô-tô hai bánh lắp động cơ nhiệt có tiêu chuẩn khí thải mức 2 (Euro 2) và dùng nhiên liệu xăng hoặc đi-ê-den (DO) chất lượng tương ứng với quy chuẩn do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành. Nhằm hạn chế phát thải khí độc hại gây ô nhiễm không khí, góp phần bảo vệ môi trường, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg, ngày 1-9-2011 về việc quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô-tô, xe mô-tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và NK mới. Theo đó, từ ngày 1-1-2017, tiêu chuẩn khí thải gồm mức 2 (với ô-tô, xe gắn máy đưa vào sử dụng trước ngày 1-1-2017); mức 3 (cho xe máy đưa vào sử dụng sau 1-1-2017) và mức 4 (cho ô-tô đưa vào sử dụng sau ngày 1-1-2017). Để thi hành Quyết định này, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2015/BKHCN (ngày 11-11-2015). Theo đó, trên thị trường có thể tồn tại song song chín loại xăng không chì. Đó là, Ron 90-II; Ron 92-II; Ron 95-II; Ron 92-III; Ron 95-III; Ron 98-III; Ron 92-IV; Ron 95-IV; Ron 98-IV (trước chỉ có ba loại).
Như vậy, sau ngày 1-1-2017, trên thị trường, số chủng loại xăng, dầu có thể tăng gấp ba lần hiện nay. Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhận xét, điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước khi thực hiện quản lý về thuế, phí, chống gian lận thương mại; gây khó khăn cho DN đầu mối kinh doanh xăng, dầu; các thương nhân phải đầu tư thêm hạ tầng hệ thống phân phối, hệ thống quản lý nội bộ; gây khó khăn cho người tiêu dùng khi lựa chọn nhiên liệu phù hợp. Chúng ta còn nhớ, vài năm trước, khi quyết định đưa xăng sinh học E5 bán rộng rãi, các DN đã rất vất vả khi đặt thêm cột bơm xăng E5 trên mặt bằng cũ chật hẹp của các cửa hàng xăng, dầu, nhất là tại các thành phố lớn.
Theo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, đến thời điểm hiện nay, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan chưa có hướng dẫn cụ thể triển khai, cho nên DN rất lúng túng. Tập đoàn kiến nghị lùi thời hạn áp dụng đến 1-7-2017 để hoàn thiện cơ chế, chính sách cũng như để DN chuẩn bị phương án nguồn hàng, phương án tổ chức kinh doanh bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn.
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)