"Giao cho PVN tiêu thụ 100% sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn là phi thị trường'', theo đại biểu Trần Quang Chiểu...
Đăng đàn cả hai buổi thảo luận và cả hai lần đại biểu Trần Quang Chiểu đều nói Chính phủ đã làm không đúng với quy định.
Cả ngày 1/11 Quốc hội thảo luận về các vấn đề liên quan đến tài chính, nợ công, đầu tư công trung hạn, dự toán ngân sách Nhà nước.
Đại biểu Trần Quang Chiểu tại nghị trường.
Không công bằng
Cả hai lần bấm nút, đại biểu Trần Quang Chiểu đều đến lượt đăng đàn. Buổi sáng ông nêu ba vấn đề, trong đó có một vấn đề mà theo ông thì Chính phủ đã làm không đúng quy định của Hiến pháp.
Cụ thể, luật hiện hành quy định lợi nhuận sau thuế, doanh nghiệp được trích lập ba quỹ, nhưng khi ban hành nghị định 91, ngày 13/10/2015 Chính phủ tự động đưa thêm một khoản quỹ nữa gọi là quỹ đặc thù cho một số loại hình doanh nghiệp.
Việc này theo ông là trái luật, và không công bằng. Tại sao đều doanh nghiệp mà anh thì có anh không, như vậy cơ chế xin cho, thích cho ai thì cho, không cho thì thôi - đại biểu phân tích.
Tác hại tiếp theo được ông chỉ ra là ngân sách nhà nước hụt thu.
Theo như tôi được biết thông tin quỹ này bắt đầu thực hiện từ 2016, số thiệt hại từ ngân sách không được thu khoảng từ 10 đến 15.000 tỷ, ông Chiểu nói.
Thừa nhận việc đại biểu nêu là đúng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết đã có báo cáo với Thủ tướng, với Ban cán sự Đảng Chính phủ.
Ông Dũng cũng cho biết, ở đây có những vấn đề liên quan đến có nghị quyết của Bộ Chính trị nên chắc phải báo cáo lại để Bộ Chính trị tiếp tục xem xét.
"Ý như vậy nhưng về tinh thần tư tưởng phải bình đẳng với doanh nghiệp chúng tôi thấy ủng hộ hướng này, công bằng, minh bạch về ngân sách và công bằng với các doanh nghiệp", Bộ trưởng nói.
Lo Nghi Sơn ảnh hưởng ngân sách
Buổi chiều, ông Chiểu chỉ đề cập một vấn đề là chính sách đối với Liên hiệp Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Theo thông tin từ vị đại biểu này thì Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn có công suất 10 triệu tấn/năm, trong khi đó Nhà máy lọc dầu Dung Quất chỉ có 6,5 triệu tấn/năm. Vốn đầu tư của nhà máy này thì 75% là của nước ngoài, Tập đoàn dầu khí (PVN) chỉ có 25% góp bằng tiền đất.
Ông Chiểu cho rằng, có hai vấn đề trong cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn ảnh hưởng đến nền kinh tế và ngân sách.
Đó là PVN phải bao tiêu 100% sản phẩm cho Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn trong bất luận trường hợp nào. "Giao cho PVN tiêu thụ 100% sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn là phi thị trường. PVN cũng là một doanh nghiệp, một đơn vị, một tập đoàn kinh tế không thể phải bao tiêu 100% sản phẩm cho một doanh nghiệp khác trong thời hạn 10 năm" ông Chiểu phân tích.
Về thuế, sau một số tính toán với điều khoản cụ thể tại cam kết ông Chiểu nói, lấy giá nhập khẩu của tháng 3/2016 là giá thấp nhất thì một năm PVN cũng phải bù cho Nghi Sơn sơ bộ khoảng 3544 tỷ. Còn nếu lấy giá của năm 2013 tại thời điểm Chính phủ ký cam kết thì 1 năm phải bù cho Nghi Sơn 5800 tỷ là tối thiểu, và khoản này được bù không thỏa đáng.
"Theo Hiến pháp năm 2013 thì Chính phủ không có quyền ký để bù thuế nhập khẩu và dùng lợi nhuận ngân sách nhà nước qua PVN bù cho đơn vị này", ông Chiểu nhấn mạnh.
Đề nghị Chính phủ sớm giải trình với Quốc hội, ông Chiểu nói: đất nước ta nghèo như thế này không thể có chuyện dùng lợi nhuận của PVN bù cho Nghi Sơn -doanh nghiệp có 75% là có vốn đầu tư nước ngoài.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói đối với các nội dung đại biểu Trần Quang Chiểu nêu, đề nghị Quốc hội giao cho Ủy ban Tài chính - ngân sách tiến hành giám sát và yêu cầu các cơ quan có liên quan giải trình làm rõ vấn đề này và báo cáo với Quốc hội
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)