Chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn không mấy kỳ vọng vào cuộc họp bàn về sản lượng sắp diễn ra giữa các nước xuất khẩu dầu chủ chốt thế giới.
Không có gì kéo được giá dầu lên
Thị trường dầu lửa thế giới đang chờ đợi cuộc họp sắp diễn ra giữa các nước xuất khẩu dầu chủ chốt thế giới bàn về sản lượng. Đặc biệt, trước cuộc họp này trên thị trường diễn ra một số diễn biến đáng chú ý.
Theo đó, dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm sâu nhất trong 19 năm qua. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm 4,9 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 1/4/2016, cao hơn rất nhiều so với dự báo của giới chuyên gia. Điều này hoàn toàn trái ngược với tuần trước đó khi dự trữ dầu thô của Mỹ tăng lên ở mức cao nhất trong hơn 80 năm. Trong khi đó, các nguồn tin thân cận với các kế hoạch của Nga cho hay, giá dầu ở mức 45-50 USD/thùng là có thể “chấp nhận được”.
Cuộc họp sắp tới của các đại gia dầu lửa không được kỳ vọng sẽ kéo giá dầu lên
Tuy nhiên, nhìn nhận những thông tin này, chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới không cho rằng đó có thể là dấu hiệu nhen nhóm hy vọng cuộc chiến giá dầu sắp đi tới hồi kết. Với động thái giảm dự trữ dầu thô kỷ lục tại Mỹ, theo ông Sơn, đây chỉ thuần túy là yếu tố kỹ thuật trong ngắn hạn khi thị trường mua hay không mua, nó không phải là yếu tố quyết định đến giá dầu trong lâu dài và cũng không liên quan gì đến kinh tế Mỹ. Nếu cần, ngay ngày mai, Mỹ có thể tăng dự trữ dầu thô lên.
Về phía Nga, mức giá dầu ở ngưỡng 45-50 USD/thùng "có thể chấp nhận được" có nghĩa là ở mức giá đó các nhà sản xuất dầu của Nga vẫn có lãi và ngân sách của nước này vẫn còn chịu đựng được. Từ trước đến nay, ngân sách của Nga chỉ trông chờ vào xuất khẩu dầu, nếu giá dầu tiếp tục giảm sâu thì họ không có tiền, do đó dù thế nào quốc gia này vẫn duy trì sản lượng khai thác ở mức kỷ lục. Giá dầu thấp cũng sẽ có lợi cho những bộ phận kinh tế nào sử dụng dầu của Nga, nhưng đó chỉ là cái lợi ở phần nhỏ và nó không bù được cái thiệt của cả phần lớn - đó là ngân sách Nga vốn phụ thuộc lớn vào dầu lửa.
Cũng theo ông Bùi Ngọc Sơn, hiện tại giá dầu thế giới đang đi ngang, dò đáy và về mặt tổng thể lâu dài, chẳng có gì có thể kéo giá dầu lên được.
"Cuộc họp vào ngày 17/4 tới của các quốc gia sản xuất dầu chủ chốt trên thế giới sẽ không có giá trị gì nhiều. Cứ cho là họ thỏa thuận thành công thì nó cũng chỉ "đóng băng" sản lượng như hiện nay, các nước cũng chỉ thống nhất không bơm thêm để dầu trên thị trường không bị thừa quá nhiều. Với số lượng hiện nay vẫn là thừa, 2 triệu thùng/ngày không giải quyết được gì.
Nếu các nước không thỏa thuận được có nghĩa chẳng ai bảo được ai, các nước cứ bơm dầu thoải mái và giá dầu sẽ còn giảm sâu nữa.
Kể có khi ký được thì câu hỏi đặt ra là: liệu nó có ý nghĩa gì trên thực tế không? Vì các nước thỏa thuận không bơm thêm dầu ra nữa nhưng quốc gia mới tham gia trở lại thị trường dầu mỏ là Iran vẫn cứ bơm cũng chẳng thể làm gì được do họ không liên quan đến thỏa thuận này. Iran mới nhập cuộc trở lại thi trường dầu, họ cần tiền để tái thiết đất nước sau bao nhiêu cấm vận nên không có chuyện Tehran nghe theo các quốc gia dầu mỏ khác.
Không chỉ Iran, các công ty sản xuất dầu phiến sét của Mỹ cũng sẽ tiếp tục bán ra nếu các nước sản xuất dầu mỏ lớn không bơm thêm.
Theo tôi, những hội nghị như thế trong thời điểm này không có giá trị gì nhiều. Chẳng qua các nước đang nỗ lực tuyệt vọng để giá dầu đừng giảm nhiều quá", ông Sơn phân tích.
Năng lượng sạch "giết chết" giá dầu
Chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn nhận định, về tổng thể, giá dầu sẽ chỉ đi xuống khi năng lượng sạch đang bùng nổ về mặt thương mại.
"Nhà sản xuất ô tô điện nổi tiếng thế giới Elon Musk cho hay, chỉ trong vòng 2 ngày họ đã có 10 tỷ USD đặt hàng. Theo tính toán, nếu tốc độ tăng trưởng 60% một năm được duy trì, thì sớm nhất vào năm 2023, ô tô điện có thể làm giảm nhu cầu sử dụng 2 triệu thùng dầu một ngày. Báo cáo của OPEC đã chỉ ra rằng, thị trường dầu mỏ chỉ trụ được nếu ô tô điện chiếm không quá 2% tổng số ô tô trên toàn thế giới.
Báo cáo mới nhất cũng cho thấy, lần đầu tiên mức độ đầu tư để sản xuất năng lượng sạch gấp đôi đầu tư vào sản xuất điện dùng than đá, dầu lửa và tốc độ này còn đang tăng rất nhanh. Nghĩa là dần dần sản xuất điện, ô tô sẽ không dùng dầu lửa nữa. Người ta dự đoán, một cuộc khủng hoảng mới về dầu mỏ đang cận kề.
Với triển vọng đó, cộng với công nghệ dầu phiến sét của Mỹ nắm trong tay họ đang bán tháo ra bên ngoài những gì họ không cần. Nếu không có nguồn dự trữ thứ hai là năng lượng sạch thì không bao giờ Mỹ chấp nhận bán nguồn năng lượng quan trọng ra khỏi nhà và khi người ta bán ra như thế nghĩa là họ không cần dùng nó nữa", ông Bùi Ngọc Sơn phân tích.
Vị chuyên gia nói thêm, các tin tức gần đây nhất đều cho thấy các quốc gia phát triển ở trình độ cao hướng đầu tư sang năng lượng sạch phát trển rất nhanh. Ngay cả Trung Quốc dẫu có tăng trưởng trở lại cũng không bao giờ dùng dầu như trước đây vì ô nhiễm môi trường đã quá ngưỡng, Ấn Độ cũng trong tình trạng tương tự. Năm ngoái, Trung Quốc đã đầu tư khoảng 1,6 tỷ USD vào năng lượng sạch. Đừng hy vọng thế giới sẽ uống dầu như trong thời gian qua. Giống như than đá từng cực thịnh ở thế kỷ 15, 16, sau này có dầu lửa người ta bỏ dần than đá. Nay mai thế giới dùng năng lượng sạch thì dầu lửa sẽ không còn là nguồn năng lượng thiết yếu để chạy xe ô tô hay tạo ra điện.
"Thị trường năng lượng thế giới đã có sự thay đổi về chất và năng lượng sạch đang lên ngôi, dầu lửa mất dần vị thế cả trên hai lĩnh vực quan trọng nhất là sản xuất ra điện và chạy ô tô. Bởi vậy, đừng hy vọng giá dầu sẽ lên về lâu dài", ông Bùi Ngọc Sơn kết luận.
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)