Xăng đã giảm 7 lần liên tục, mức giảm gần 11%, tương đương 2.750 đồng/lít nhưng tất cả hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm, cước vận tải vẫn im lặng như chuyện không liên quan đến mình.
Giá xăng dầu giảm lần thứ 7 nhưng cước vận tải vẫn đứng im
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như trước đây, tăng giá xăng dầu, dù ít hay nhiều luôn là cái cớ để rau, thịt, cước taxi, gạo, trái cây... tăng theo rất nhanh.
Từ doanh nghiệp, thương lái cho đến người bán hàng ngoài chợ đều "nằm" lòng câu "xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, có tác động lớn đến chi phí đầu vào...." để cho thấy, "cái sự" tát giá theo xăng của họ chỉ là bất đắc dĩ. Lý do này đúng, chỉ tiếc rằng cuộc chơi "tác động đến chi phí đầu vào" lại không được thực hiện sòng phẳng. Tăng giá theo xăng thì nhanh, thì dễ nhưng giảm cùng xăng thì lại chậm chạp và vô vàn khó khăn với 1.001 lý do trì hoãn. Còn nhớ đến lần giảm thứ 4 của xăng trong tháng trước, dư luận đã đặt câu hỏi về việc giảm giá nhưng một số hãng vận tải trả lời rằng phải giảm 10% thì mới tính đến điều chỉnh; rồi thì thủ tục không đơn giản. Giờ thì đã giảm tới gần 11% mà vẫn chưa thấy ai nói gì. Vận chuyển im lặng thì các nhà sản xuất im lặng, kéo theo cả một dây chuyền sau đó gồm đại lý, thương lái, người bán hàng ngoài chợ đều im lặng. Kết quả là giá rau, củ, quả, thịt, gạo, hàng tiêu dùng tăng cao thời điểm đầu tháng 7 khi xăng A92 ở mức đỉnh với 25.640 đồng/lít và vẫn được giữ nguyên khi giá xăng xuống mức 22.890 đồng/lít hiện nay.
"Im lặng cả làng" và người tiêu dùng thiệt nhất trong câu chuyện thiếu sòng phẳng này. Họ đang gánh tất cả trong chi tiêu cho sinh hoạt hằng ngày, kể cả xăng lên hay xuống. Tất nhiên, sự im lặng này chắc chắn sẽ giúp các đơn vị liên quan kiếm thêm một ít doanh thu, lợi nhuận. Nhưng đó chỉ là một bài toán "tính già" có thể "hóa non", cái mất có thể lớn hơn cái được. Bởi với nguy cơ lương sẽ tiếp tục không tăng vào năm sau và kinh tế chưa thấy nhiều tín hiệu lạc quan, tâm lý thắt lưng buộc bụng đang gia tăng trong rất nhiều gia đình. Giờ "bồi" thêm sự thiếu sòng phẳng này, họ sẽ càng thắt chặt hầu bao, tối giản mọi nhu cầu. Như vậy chẳng phải "được con tép mà mất con tôm"? Lẽ ra, các đơn vị này nên lấy việc xăng giảm giá là cơ sở để giảm giá hàng hóa, dịch vụ, kích thích tiêu dùng thay vì trì hoãn để kiếm chút lợi như thế này.
Những trung tâm thương mại không có khách, những tiểu thương ngồi ngáp vặt cả ngày bên quầy hàng ế ẩm, các siêu thị khuyến mãi liên tục nhưng doanh số vẫn giảm... tất cả những điều này diễn ra đã lâu và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Chúng ta vẫn thường đổ lỗi do kinh tế khó khăn, sức mua quá yếu. Nhưng chắc chắn góp phần không nhỏ trong sự ế ẩm đó từ những hành vi thiếu tính thị trường như nói trên. Chúng ta cũng kêu gọi người tiêu dùng ủng hộ hàng trong nước, nhất là trong giai đoạn khó khăn này, vậy nhưng cách đối xử đối với người tiêu dùng lại hết sức thiếu chuyên nghiệp.
Làm sao có thể kích cầu khi niềm tin của người tiêu dùng ngày càng sụt giảm với kiểu kinh doanh như thế này?
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)