Trước việc giá bán lẻ được điều chỉnh với mật độ dày, biên độ hẹp gần đây, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu - Phan Thế Ruệ cho rằng điều này là hợp lý, phản ánh đúng quy luật thị trường.
Tại cuộc họp phổ biến Nghị định kinh doanh xăng dầu mới (Nghị định 83) do Hiệp hội Xăng dầu tổ chức ngày 19/9, đại diện cơ quan này kỳ vọng vọng những điểm mới của quy định sẽ giúp giá xăng dầu thực sự lên xuống theo thị trường. Vị này dẫn chứng việc giao quyền cho doanh nghiệp chủ động điều chỉnh trong biên độ 3% sẽ giúp các đơn vị này có thêm quyền chủ động.
“Như thế có nghĩa là giá thị trường tăng 1% thì doanh nghiệp này đã có quyền điều chỉnh, trong khi nơi khác có thể chờ đến lúc 2 hay 3%. Vậy tức là sẽ có sự cạnh tranh về giá”, ông Ruệ nói.
Đại diện của hiệp hội cũng chia sẻ, sau lần xăng giảm giá 30 đồng mỗi lít gần đây, ông đã nhận được nhiều lời phàn nàn, thậm chí là giận giữ từ phía người dân, rằng đó chỉ là hình thức. Tuy nhiên, ông Ruệ cho rằng nếu đứng ở phía một người dân đi xe máy, họ có thể bức xúc vì số tiền giảm không nhiều. Tuy nhiên nếu là một chủ một doanh nghiệp, có hàng nghìn taxi thì giảm như vậy cũng là đáng quý. “Việc giảm giá không phải là hình thức, nếu nhìn nó từ lợi ích của cả xã hội chứ không phải vì lợi ích của một người”, ông Ruệ nói.
Ông Phan Thế Ruệ cho rằng việc điều hành giá đang sát hơn với thị trường.
Vẫn theo vị này, để theo đúng thị trường thì dù 50, 30 hay dù giảm 10 đồng cũng phải giảm. Ông Ruệ cũng nhìn nhận, trong 10 lần điều chỉnh giá gần nhất của xăng thì có 5 lần tăng với tổng mức 1.400 đồng, trong khi 4 lần giảm đã là 1.900 đồng. “Hy vọng khi Nghị định 83 có hiệu lực từ 1/11 tới, cơ quan quản lý sẽ chỉ hướng dẫn để doanh nghiệp được thực hiện quyền của mình, chứ không can thiệp, quyết định giá trong khoảng 0-3%”, ông nói thêm.
Tại hội nghị, một số doanh nghiệp kinh doanh đầu mối, tổng đại lý vẫn còn băn khoăn về một số điều thiếu khả thi trong Nghị định. Ông Trần Minh Hà, Phó Giám đốc Sài Gòn Petro băn khoăn: "Nghị định quy định để thành thương nhân nhập khẩu phải sở hữu 51% phương tiện vận tải, nhưng tỷ lệ này là phần trăm pháp nhân trong một doanh nghiệp vận tải hay là sở hữu số phương tiện?", ông đặt câu hỏi. Ngoài ra, vị này cũng nhận xét việc không cho phép thương nhân đầu mối này thuê kho của nhau là thiếu khả thi và gây ra lãng phí xã hội.
“Nên quy định vấn đề thuê hạ tầng được linh họat, không nên cứng kỳ hạn bao nhiêu năm hay phải doanh nghiệp chuyên về kho bãi xăng dầu”, ông Hoàng Mạnh Tuấn, Giám đốc Công ty Xăng dầu Hàng không đồng tình.
Trong khi đó, đại diện một số tổng đại lý lại quan tâm đến mức tỷ lệ hoa hồng bởi theo họ, việc hạn chế mức trích cho đại lý 680 đồng mỗi lít khiến các cửa hàng không mặn mà, thậm chí càng bán càng lỗ.
Ông Ruệ cũng cho biết thực tế các doanh nghiệp đầu mối đều chi vượt quy định, với mức hoa hồng từ 1.100-1.200 đồng mỗi lít. Bên cạnh đó, vị chủ tịch từng giữ chức thứ trưởng bộ Thương Mại cũng khẳng định đây là quyền của doanh nghiệp nên Nhà nước không nên can thiệp. Vì vậy, ông cho biết Hiệp hội sẽ kiến nghị để trong thông tư hướng dẫn sắp ban hành, cơ quan quản lý sẽ có những quy định sát thực tế hơn với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Nghị định 83 nêu trên được ban hành nhằm thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, sẽ có hiệu lực từ 1/11 tới, quy định giá bán theo nguyên tắc cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Trong đó, thương nhân đầu mối được giữ quyền quyết định giá bán buôn, tương tự trước đây. Tuy nhiên thời gian giữa hai lần điều chỉnh liên tiếp tối thiểu là 15 ngày thay vì 10 ngày như trước.
Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi 3% so với giá cơ sở, thương nhân đầu mối được tăng giá bán lẻ tương ứng và gửi văn bản quyết định điều chỉnh giá đến liên Bộ Công Thương - Tài chính. Quy định trước đây đối với tình huống này là từ 7% trở xuống.
Nếu các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng vượt 3% đến 7% so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối gửi văn bản kê khai giá, dự kiến mức điều chỉnh giá tới liên Bộ Công Thương - Tài chính. Phạm vi này tại Nghị định 84 là 7-12%.
Nếu các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 7% (trước đây là trên 12%) hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, liên Bộ Công Thương - Tài chính báo cáo Thủ tướng xem xét.
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)