Theo TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, xăng dầu giảm giá liên tục tác động rất lớn tới thu ngân sách nhà nước và nên tính đến giải pháp giảm giá xăng dầu khi thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2015.
TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp |
Người dân và doanh nghiệp rất vui mừng khi giá xăng dầu giảm liên tiếp, còn ông thì sao?
Qua 8 lần giảm giá, mỗi lít xăng bán lẻ giảm được tổng cộng 3.300 đồng; dầu diesel giảm tới 14 lần (giảm 3.060 đồng/lít), dầu hỏa giảm 11 lần (giảm 2.890 đồng/lít) và dầu mazout giảm 9 lần. Hiện giá xăng dầu đã trở về mặt bằng giá năm 2012.
Với tư cách là người dân, tôi rất vui mừng mỗi khi giá xăng dầu giảm, đặc biệt là trong bối cảnh lương tối thiểu không được điều chỉnh tăng theo lộ trình, việc giảm giá xăng dầu sẽ giảm bớt gánh nặng về tài chính cho người dân, nhất là những người làm trong khu vực nhà nước.
Nhưng với tư cách là thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tôi cũng khá lo lắng, bởi nếu giá xăng dầu tiếp tục giảm không chỉ ảnh hưởng rất lớn tới số thu ngân sách năm 2015, mà còn ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư khác.
Cụ thể, ảnh hưởng tới số thu ngân sách thế nào?
Việt Nam vừa là nước xuất khẩu dầu thô, đồng thời là nước nhập khẩu phần lớn xăng dầu thành phẩm về để sử dụng. Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 9 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách đạt 636.000 tỷ đồng, trong đó, thu từ dầu thô đạt 79.780 tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2013.
Nên nhớ rằng, 9 tháng đầu năm 2014, sản lượng dầu thanh toán mới đạt 11,28 triệu tấn, chỉ bằng 78,8% kế hoạch năm, nhưng đóng góp vào ngân sách tới 93,6% dự toán nhờ giá dầu thô thanh toán bình quân trong 9 tháng đầu năm đạt 112,4 USD/thùng, tăng 14,4 USD/thùng so với giá xây dựng dự toán (98 USD/thùng). Như vậy, nếu giá xăng dầu giảm, thì ngay lập tức thu ngân sách sẽ giảm. Đó là chưa tính, nhiều khoản thuế, phí, lệ phí khác liên quan đến xăng dầu cũng bị giảm theo nếu giá xăng dầu giảm.
Nhưng bù lại, lợi nhuận của doanh nghiệp tăng, theo đó số thu từ thuế thu nhập cũng tăng lên?
Đúng là khi giá xăng dầu giảm, đầu vào của nền kinh tế giảm, lợi nhuận tăng kéo tăng được số thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng khoản tăng thu này không bù đắp nổi khoản hụt thu do xăng dầu giảm, bởi hoạt động xuất khẩu dầu thô chiếm tới hơn 12,5% tổng số thu ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, giá xăng dầu giảm, lợi nhuận của hoạt động khai thác, chế biến dầu khí bị giảm cũng sẽ khiến ngân sách bị giảm thu đáng kể.
Ông nói rằng, giá xăng dầu giảm còn ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư khác. Vậy hoạt động đầu tư khác là những lĩnh vực nào?
Chúng ta đang và chuẩn bị xây dựng nhiều dự án lọc hóa dầu, trong đó có những dự án với quy mô đầu tư hàng chục tỷ USD, như Dự án Lọc hóa dầu tại Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) có quy mô đầu tư lên tới 22 tỷ USD.
Khi giá xăng dầu giảm, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ Dự án. Bên cạnh đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang tham gia đầu tư tại nhiều nước trên thế giới, khi giá xăng dầu giảm chắc chắn ảnh hưởng tới việc đầu tư.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2014 tăng rất thấp, nên nhiều ý kiến cho rằng, đây là cơ hội để tăng thuế nhập khẩu xăng dầu. Quan điểm của ông thế nào?
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng rất thấp (0,11%), vì vậy quan điểm điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu xăng dầu là có cơ sở.
Nhưng mới đây, Bộ Tài chính tuyên bố sẽ không tăng thuế nhập khẩu xăng dầu từ nay đến cuối năm?
Bộ Tài chính nhiều lần tuyên bố không điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu, nhưng cuối cùng vẫn tăng. Tuyên bố là một chuyện, nhưng nếu thấy không phù hợp, thì vẫn có thể điều chỉnh.
Theo Khung thuế nhập khẩu xăng dầu, mặt hàng này có mức thuế suất từ 0% đến 40%. Hiện tại, xăng chịu thuế nhập khẩu 18%, dầu diesel 14%, dầu hỏa 16% và dầu mazout 15%. Tôi nghĩ rằng, tùy vào tình hình cụ thể, Bộ Tài chính có thể điều chỉnh thuế nhập khẩu xăng dầu ở mức hợp lý.
Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, giá xăng dầu trên thị trường thế giới còn giảm tiếp. Ứng phó với việc này thế nào, thưa ông?
Cũng như vàng, tỷ giá, xăng dầu là mặt hàng khó dự báo diễn biến giá cả. Theo lẽ thông thường, cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine, kèm theo sự cấm vận của phương Tây với Nga, cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo IS ở Trung Đông... phải khiến giá xăng dầu tăng, nhưng ngược lại, giá xăng dầu trên thị trường thế giới giảm liên tiếp nhiều tháng qua.
Vì vậy, phải theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới và dự báo của các tổ chức tài chính - tiền tệ quốc tế về sự phục hồi của kinh tế thế giới, diễn biến chính trị tại các nền kinh tế lớn, động thái của các quốc gia thuộc OPEC...
Theo dự báo của nhiều tổ chức tài chính - tiền tệ quốc tế, kinh tế thế giới năm 2015sẽ tăng trưởng khá chậm, kéo theo nhu cầu sử dụng xăng dầu thấp, trong khi đó, một số nước thuộc OPEC đang gia tăng khai thác dầu mỏ, nên giá xăng dầu trên thị trường thế giới nhiều khả năng giảm tiếp.
Năm 2015, dự kiến thu từ hoạt động khai thác dầu thô 93.000 tỷ đồng có lẽ phải xem xét điều chỉnh lại.
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)