Những ngày đầu năm 2016, giá dầu đã xuống mức dưới 35USD/thùng và thấp nhất trong vòng 12 năm qua. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn tiếp tục dự báo khả năng “phá đáy” của giá dầu trong thời gian tới. Phóng viên Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Xuân Hồi - Giảng viên Bộ môn Kinh tế Công nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội về vấn đề này.
PV:Xin ông cho biết, ông dự báo thế nào về giá dầu của năm 2016? Liệu có tăng lên, hay vẫn tiếp tục đà giảm sâu?
PGS.TS Bùi Xuân Hồi: Tôi cho rằng, dự báo mãi sẽ vẫn là dự báo vì có rất nhiều yếu tố bất định diễn ra sau đó. Tuy nhiên về mặt logic, tôi cho rằng giá dầu chắc chắn sẽ vào chu kỳ giá thấp sau một chu kỳ giá cao kéo dài. Mà đã gọi là chu kỳ của các sản phẩm đặc thù như dầu mỏ thì không thể là 6 tháng hay 1 năm. Các bạn quan sát lịch sử dầu mỏ sẽ thấy, chu kỳ giá thấp từ năm 1986 đã kéo dài tới tận những năm 2000. Vì thế năm 2016, rất khó có một kịch bản giá dầu tăng trong bối cảnh kinh tế, địa chính trị thế giới, hiện trạng thị trường dầu mỏ như hiện nay. Với lượng cung đủ đảm bảo đáp ứng lượng cầu dầu mỏ thế giới ở mức chi phí 20-35USD/thùng, thì khoảng dao động giá dầu sẽ chỉ từ 25-40USD/thùng cho năm 2016 mà thôi. Với tôi, kịch bản này là khá lạc quan vì với thái độ của OPEC như hiện nay (tức là không cắt giảm lượng cung) thậm chí giá dầu về ngưỡng 25USD là điều hoàn toàn có thể.
PGS.TS Bùi Xuân Hồi
PV:Ông đánh giá như thế nào khi nhìn lại những tác động từ giá dầu giảm đến nền kinh tế Việt Nam trong năm 2015? Khi Việt Nam vẫn đang là một nước xuất khẩu dầu thô với khối lượng khá lớn trong tỷ trọng đóng góp vào GDP?
PGS.TS Bùi Xuân Hồi:Tất nhiên đứng trên quan điểm là nước xuất khẩu dầu thô và doanh thu dầu thô luôn chiếm từ 10 đến 20% tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN), với việc giá dầu giảm mạnh ngành dầu khí sẽ phải gánh chịu những thiệt hại trực tiếp từ việc giảm sút của doanh thu. Vì vậy nếu dự báo về giá dầu để lập kế hoạch thu ngân sách 2016 mà lạc quan hơn so với thực tế xảy ra thì chắc chắn NSNN năm 2016 sẽ khó đạt kế hoạch. Nhìn từ góc độ này, biến động trực tiếp về qui mô và cơ cấu thu NSNN năm 2016 do ảnh hưởng giá dầu thô giảm sâu hơn dự kiến sẽ gây hậu quả xấu trong bối cảnh các nhiệm vụ chi theo dự toán đều không thể trì hoãn đó là chưa kể nhu cầu chi vẫn tăng lên: cả chi đầu tư phát triển lẫn chi thường xuyên và chi trả nợ. Và khi đó muốn đảm bảo các nhiệm vụ chi NSNN theo dự toán năm 2016, đồng thời không làm tăng qui mô thâm hụt NSNN đã được Quốc hội phê duyệt thì gánh nặng khai thác nguồn thu khác đủ bù đắp khoản hụt thu do giảm giá dầu được đặt lên vai Chính phủ và Bộ Tài chính, đó thực sự là một bài toán hết sức nặng nề về cơ cấu lại nguồn thu NSNN cũng như các giải pháp ứng phó.
PV: Khi Việt Nam đang nhập khẩu một lượng lớn xăng dầu thành phẩm thì giá dầu hiện nay ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Bùi Xuân Hồi: Ở phương diện này, rõ ràng là nước lên thuyền lên. Giá dầu giảm mạnh, giá các sản phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới phải giảm theo và chắc chắn việc đó sẽ làm giảm nhẹ hóa đơn xăng dầu của người tiêu dùng. Và như chúng ta đã biết, cùng với việc giá dầu giảm trên thị trường thế giới, trên thị trường nội địa chúng ta cũng nhận được các đợt điều chỉnh giảm liên tục giá các sản phẩm xăng dầu từ điều hành của Nhà nước. Một khi chi tiêu cho xăng dầu giảm thì tức là thu nhập khả dụng của người tiêu dùng Việt Nam còn lại cho các sản phẩm hàng hóa khác sẽ tăng lên và sự gia tăng sức mua cho người dân trong nước sẽ góp phần làm tăng GDP. Đó là chưa kể các hiệu ứng tích cực khác của việc giá dầu giảm tới kinh tế vĩ mô của đất nước như việc hỗ trợ tích cực cho việc kiểm soát lạm phát, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước khi chi phí xăng dầu giảm v.v…
Tuy vậy, một cách khách quan, tôi có cảm giác chúng ta chưa thực sự chủ động trong việc khai thác hiệu ứng giá dầu giảm, xăng dầu là đầu vào của rất nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh như: Sản xuất điện hay trong giao thông, chúng ta chưa nhìn thấy những điều chỉnh đối với các nhóm hàng hóa dịch vụ sử dụng xăng dầu là yếu tố đầu vào: giá điện điều chỉnh tăng, giá taxi không giảm, dường như “giá xăng dầu giảm cho phát triển kinh tế” chưa được thực sự quan tâm và tận dụng hết các khía cạnh tích cực của nó.
PV:Vừa rồi ông có dự báo giá dầu của năm 2016… theo ông, nó sẽ tác động thế nào tới nền kinh tế của chúng ta trong năm 2016? Khả năng tận dụng cơ hội từ giá dầu giảm của Việt Nam thế nào?
PGS.TS Bùi Xuân Hồi:Giá dầu sẽ ở chu kỳ giá thấp và những tác động của nó tới nền kinh tế có thể quan sát được gồm: đóng góp vào NSNN từ doanh thu xuất khẩu dầu sẽ giảm; đầu tư phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong công tác thăm dò và khai thác sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Đổi lại lạm phát có cơ hội để kiểm soát ở mức thấp, giảm chi phí xăng dầu tăng sức mua của người dân, các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước và xuất nhập khẩu phi xăng dầu sẽ tiếp tục phát triển do giá xăng dầu thấp, tăng cơ cấu thu NSNN từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước…
Trước hết, với kịch bản giá dầu thấp và với các kế hoạch chi ít thay đổi bắt buộc Nhà nước phải cơ cấu lại nguồn thu. Và như vậy, đây là cơ hội để Nhà nước có thể giải quyết các vấn đề bất cập về cơ cấu thu NSNN với nguy cơ thiếu bền vững do vẫn dựa rất lớn vào thu từ khai thác dầu mỏ - lĩnh vực phụ thuộc rất nhiều vào biến động trên thị trường quốc tế (yếu tố khách quan). Chúng ta hy vọng đây là cơ hội để gia tăng tính bền vững thu NSNN khi cơ cấu thu NSNN chuyển dịch sang dựa chủ yếu vào thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước. Định hướng này là rất phù hợp trong điều hành kinh tế vĩ mô.
Điểm thứ 2, có thể nhìn thấy ở phương diện cơ hội đó là khi giá dầu tiếp tục giảm, rõ ràng là mục tiêu vĩ mô về lạm phát sẽ tiếp tục được kiểm soát tốt, chi tiêu dùng dầu mỏ giảm, thu nhập khả dụng của người dân tăng, làm gia tăng sức mua, đồng thời đây là cơ hội để đẩy mạnh phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu phi dầu thô, điều này cũng hết sức phù hợp khi kinh tế nước ta đang trong quá trình phục hồi và tăng trưởng trở lại.
PV:Rất nhiều ý kiến cho rằng, giá dầu thô giảm sâu nhưng giá xăng dầu trong nước giảm chưa tương xứng. Ông đánh giá như thế nào về điều này?
PGS.TS Bùi Xuân Hồi:Chúng ta nên hiểu cơ cấu giá xăng dầu gồm rất nhiều thành phần mà trong đó giá nhập khẩu đầu vào chỉ là một yếu tố. Tôi chỉ sơ bộ nêu các thành phần của Giá cơ sở tức là giá để hình thành giá bán lẻ xăng dầu theo Nghị định 83/2014: Giá xăng dầu thế giới; Phí bảo hiểm; Cước vận tải về đến cảng Việt Nam; Thuế nhập khẩu; Thuế tiêu thụ đặc biệt; Chi phí kinh doanh định mức; Dự phòng đặt tại Quỹ Bình ổn giá; Lợi nhuận định mức trước thuế; Thuế giá trị gia tăng; Phí xăng dầu; Các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định pháp luật hiện hành. Với từng đó yếu tố thì biến động của giá nhập khẩu đầu vào chỉ đóng góp một phần rất nhỏ biến động trong giá mà người tiêu dùng cuối cùng phải trả chứ không nên suy luận đơn giản là thị trường thế giới giảm 10 thì trong nước phải giảm 7 hay 8 mới phù hợp.
Như vậy việc có hay không diễn biến giá xăng dầu trong nước phản ánh đúng quy luật và mức độ giảm giá trên thị trường thế giới phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm quản lý của Nhà nước trong điều hành giá xăng dầu. Vấn đề quan trọng nhất theo tôi là các cơ cấu trong biểu giá cuối cùng luôn phải minh bạch, rõ ràng, điều chỉnh tăng hay giảm phải nêu rõ quan điểm và cơ sở điều chỉnh thì khi đó sẽ tránh được các ý kiến trái chiều nhau liên quan đến điều chỉnh giá xăng trong mối quan hệ với biến động giá trên thị trường quốc tế.
PV: Vậy các giải pháp trong điều hành sẽ thế nào, thưa ông?
PGS.TS Bùi Xuân Hồi:Trong công tác điều hành giá, Nhà nước nên có những điều chỉnh các thành phần của biểu giá theo quan điểm ít có rủi ro về việc tăng giá trở lại. Theo đó các thành phần như dự phòng trong quỹ bình ổn, phí xăng dầu hay các loại thuế vv.. có thể xem xét điều chỉnh giảm, điều này cho phép đảm bảo hơn lợi ích của người tiêu dùng xăng dầu, phù hợp hơn với chu kỳ giá thấp trên thị trường dầu mỏ quốc tế. Một điều nữa theo tôi là rất quan trọng đó là tính minh bạch trong quản lý giá cả về xăng dầu và những căn cứ thuyết phục cho mỗi lần điều chỉnh.
Điểm cuối cùng hết sức quan trọng đó là vai trò điều hành của Nhà nước. Theo ý kiến cá nhân tôi, khi Nhà nước khi đã sẵn sàng cho một kịch bản giá xăng dầu thấp thì đi kèm với nó Nhà nước cần có một kế hoạch cụ thể để khai thác các hiệu ứng tích cực từ việc giá xăng dầu giảm. Xăng dầu là mặt hàng chiến lược là đầu vào quan trọng của nhiều hoạt động kinh tế khác như sản xuất điện, trong giao thông v.v... giá xăng dầu giảm, chi phí đầu vào giảm, chúng ta cần có sự điều hành linh hoạt đối với các sản phẩm hàng hóa dịch vụ khác sử dụng xăng dầu là yếu tố đầu vào phù hợp với logic giá đầu giảm. Giảm nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ, nhưng tăng nguồn thu từ sản xuất kinh doanh trong nước do giá dầu giảm thậm chí còn mang lại hiệu ứng tích cực đối với kinh tế Việt Nam chứ không nên chỉ có cái nhìn bi quan và bị động trong việc việc hành chính sách trong bối cảnh giá dầu ở chu kỳ giá thấp và giảm sâu.
PV: Xin cảm ơn ông!
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)