Năm 2015, Chính phủ đã làm đúng cam kết đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trước sức ép giá dầu giảm. Nhưng câu chuyện liệu có lặp lại vào năm 2016?
Năm 2015 đã là một năm “lao dốc” của giá dầu thế giới, nhưng năm 2016 có thể nhiều “đáy” mới được xác lập, khi mà giá dầu thô trên thị trường thế giới vẫn đang lao dốc, hiện ở ngưỡng trên 30 USD/thùng. Ngày 21/12/2015, giá dầu Brent tại thị trường London đã dừng ở mức 36,17 USD/thùng, chính thức chạm đáy kể từ năm 2004. Trong khi đó, giá dầu WTI tại thị trường New York cũng giảm 33 US cent, còn 34,40 USD/thùng. Theo dự báo, giá dầu thậm chí còn hạ xuống 20 – 25 USD/thùng do dư thừa nguồn cung. Cần nhớ lại là ngày 3/7/2008, giá giao dịch trên Sở Giao dịch hàng hóa New York- NYMEX lên đến mức kỷ lục 145,29 USD/thùng.
Giá dầu giảm, là phúc hay là họa?
Là một quốc gia xuất khẩu dầu mỏ, đồng thời cũng nhập khẩu lớn xăng dầu, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trước thực trạng này. Thời điểm cuối năm 2014 đầu năm 2015, khi giá dầu tuột dốc từ mức 100 USD/thùng vào tháng 6/2014 xuống còn gần 50 USD/thùng vào tháng 1/2015, dư luận đã không khỏi sốt ruột trước tính toán cho rằng, giá dầu cứ giảm 1 USD thì ngân sách mất 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, giá dầu giảm còn là nỗi lo đối với tăng trưởng xuất khẩu. Nỗi lo đè nặng suốt năm 2015. Rút cuộc Chính phủ khẳng định, việc giá dầu giảm không tác động quá lớn tới kinh tế Việt Nam, thậm chí thay vì tác động tiêu cực, “nguy đã biến thành cơ”, Việt Nam được hưởng lợi nhiều hơn. “Thu từ dầu thô giảm mạnh, nhưng thu nội địa tăng nên tổng thu ngân sách năm 2015 vẫn tăng 7,4% và tổng thu ngân sách 5 năm vừa qua gấp khoảng 2 lần so với giai đoạn trước” – Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh khi báo cáo trước Quốc hội.
Lý giải về điều này, chuyên gia kinh tế cao cấp Cao Viết Sinh – nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, giá dầu giảm giúp giảm chi phí đầu vào của hầu hết các sản phẩm và dịch vụ, nên hiệu quả sản xuất – kinh doanh cao hơn, doanh nghiệp nộp thuế nhiều hơn.
“Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và chủ động kiểm soát lạm phát” – ông Cao Viết Sinh nhận định.
Thực tế, dù con số cuối cùng chưa được công bố, song nhiều khả năng năm nay tăng trưởng GDP sẽ đạt trên 6,5%. Còn lạm phát, con số chỉ ở mức rất thấp (hơn 0,6%), tiếp tục khẳng định sự ổn định ngày càng vững chắc hơn. Dù giá dầu được cho là không ảnh hưởng nhiều tới kinh tế Việt Nam, song thu từ dầu và khí hụt lớn so với dự toán. Năm ngoái, khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2015, dự toán giá dầu là 100 USD/ thùng, nhưng thực tế, ước bình quân cả năm chỉ đạt trên 50 USD/thùng. Điều này dẫn tới thất thu từ dầu, khí và các khoản thu khác do giá dầu giảm lên tới 63.000 tỷ đồng. “Đây là mức hụt thu lớn, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách trung ương, vốn đang rất căng thẳng” – báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nhận định.
Do giảm mạnh, nên theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, thu từ dầu thô chỉ còn chiếm 6% tổng thu. “Con số 66.000 tỷ đồng thu từ dầu thô năm 2015 còn thấp hơn cả tiền nợ đọng thuế (76.000 tỷ đồng). Thu từ dầu thô đã không còn là nguồn có tỷ trọng lớn như 5 – 10 năm trước” – Thứ trưởng Tuấn nói và cho biết, dù giá dầu đã xuống ngưỡng 36 USD/thùng, nhưng “đây là giá cho các tháng trong tương lai, chứ không ảnh hưởng đến thu ngân sách của năm 2015”. Vậy thì năm 2016 sẽ ra sao, khi giá dầu vẫn tiếp tục lao dốc?
Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam?
Có tới 3 kịch bản cho kinh tế Việt Nam, tương ứng với giá dầu ở mức 50 USD, 40 USD và 30 USD/thùng đã được Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội Quốc gia công bố cách đây ít ngày.
Theo đó, ở kịch bản xấu nhất, tức là 30 USD/thùng, năm 2016 tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ bị giảm tới 1,36 điểm phần trăm. Trong khi đó, cú sốc giá dầu giảm này sẽ làm lạm phát của Việt Nam giảm 3,95% điểm phần trăm và nền kinh tế Việt Nam ở trong tình trạng giảm phát sâu. Tất nhiên, với các kịch bản 40 USD và 50 USD, các tác động là tích cực hơn. Nhưng ngay cả với kịch bản 50 USD/thùng, thì theo tính toán của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội Quốc gia, năm 2016 GDP của Việt Nam cũng sẽ giảm khoảng 0,42 điểm phần trăm.
Mặc dù cho rằng, giá dầu giảm cũng sẽ có tác động tích cực tới kinh tế Việt Nam, khi kích thích được khu vực doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển do chi phí đầu vào giảm, song chính các chuyên gia của trung tâm cũng cho rằng, việc giá dầu giảm mạnh như hiện nay sẽ tạo cú sốc đối với nền kinh tế Việt Nam, khiến thu ngân sách giảm mạnh, tác động tới chi tiêu Chính phủ và cầu trong nước, khiến quy mô GDP 3 năm giai đoạn 2016 – 2018 giảm mạnh so với kịch bản không có cú sốc giảm giá dầu này.
Không coi câu chuyện giá dầu giảm là “cú sốc” đối với nền kinh tế, thậm chí cũng vẫn nghiêng về xu hướng giá dầu giảm sẽ có tác động tích cực tới nền kinh tế Việt Nam trong năm 2016, nếu xét trên khía cạnh làm giảm chi phí đầu vào, song TS. Lưu Bích Hồ – chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn cho rằng, “tình hình rất gay go”.
“Năm 2015, dự toán 100 USD/thùng, cuối cùng giá thực bình quân trên 50 USD/thùng, còn năm 2016 dự toán 60 USD/thùng thì hiện tại giá chỉ trên 30 USD/thùng. Giá giảm chỉ còn một nửa như vậy thì ngân sách rất căng thẳng” – ông Lưu Bích Hồ nói và cho rằng, trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh như vậy, dù là nước vừa xuất dầu thô, nhưng cũng nhập xăng dầu thì chưa chắc cái lợi thu được từ việc nhập khẩu giá rẻ đã bù đắp được cái thiệt do giá dầu giảm mang lại.
Số liệu thống kê cho thấy, 11 tháng năm 2015, cả nước xuất khẩu 8,35 triệu tấn dầu thô, đạt 3,48 tỷ USD, giảm 1,2% về lượng và giảm 49% về giá so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chúng ta lại nhập khẩu 9,04 triệu tấn xăng dầu với trị giá 4,92 tỷ USD, tăng 16,6% về lượng và giảm 30,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Nhưng câu chuyện về giá dầu giảm, theo ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia, không chỉ là vấn đề ngân sách hay giảm kim ngạch xuất nhập khẩu mà còn là câu chuyện “đại sự” của ngành dầu khí.
Năm 2015, theo ông Đỗ Chí Thanh – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tập đoàn lên kế hoạch năm nay sẽ đạt 718.400 tỷ đồng, nhưng thực hiện chỉ đạt 555.000 tỷ đồng, như vậy sẽ hụt khoảng 163.400 tỷ đồng. Tương tự, nộp ngân sách theo đăng ký là 159.000 tỷ đồng, nhưng thực hiện chỉ đạt 115.000 tỷ đồng, hụt 44.000 tỷ đồng. “Ngành dầu khí còn đầu tư rất lớn ra nước ngoài; giá dầu thô giảm mạnh như vậy thì liệu có đóng cửa các mỏ dầu đó và hiệu quả đầu tư sẽ ra sao?” – ông Lê Đình Ân lo lắng. “Lâu nay, nếu muốn tăng trưởng kinh tế thêm 0,5 điểm phần trăm thì giải pháp được thực hiện là khai thác thêm 1 triệu tấn dầu. Nếu giá dầu thô giảm, biện pháp này có được áp dụng nữa hay không và nếu thế thì hiệu quả đến đâu” – ông Ân phân vân.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hoàng Anh Tuấn khá tự tin khi cho biết, đã có phương án ứng phó khi giá dầu ở mức 50 USD, 40 USD và 30 USD/thùng. Cứ cho rằng mọi phương án này là khả thi và hiệu quả, vậy giả sử giá dầu xuống tới dưới 30 USD thì sẽ ra sao?
Ẩn số giá dầu
Tình trạng dư cung dầu sẽ tiếp diễn trong năm tới và điều này sẽ buộc nhiều mỏ dầu phải đóng cửaCùng một câu hỏi về những tác động tới kinh tế Việt Nam trong trường hợp giá dầu giảm xuống dưới 30 USD/thùng, thậm chí là chỉ còn 20 USD/thùng, TS. Lê Đình Ân và TS. Lưu Bích Hồ có hai câu trả lời khá tương đồng. “30 USD/thùng là đáng lo ngại, còn nếu là 20- 25 USD/thùng thì là rất đáng lo ngại” – TS. Lưu Bích Hồ bày tỏ quan điểm.
Còn TS. Lê Đình Ân cho rằng, nếu giá dầu xuống tới 20 – 25 USD/thùng thì “trật tự kinh tế thế giới bị đảo lộn” và đó sẽ là cú sốc lớn đối với nền kinh tế Việt Nam.
Trong khi đó, một thông tin vừa được hãng Bloomberg chia sẻ là thậm chí giới đầu cơ dầu lửa – dù tỷ lệ không nhiều – đang mua vào các hợp đồng quyền chọn đặt cược giá dầu giảm xuống tới mức 15 USD/thùng. Mức giá dầu mà giới đầu cơ đặt cược nhiều nhất cho tháng 12/2016 là mức 30 USD/thùng. Số hợp đồng đặt cược cho các mức giá thấp hơn còn tương đối ít, nhưng số hợp đồng đặt cược cho mức 25 USD/thùng vào thời điểm tháng 6/2016 đã tăng gần gấp đôi trong tuần qua. “Giá dầu thô sẽ tiếp tục tuột dốc và có thể xuống tới mức 20 USD/thùng” – Jeffrey Currie – Trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa cơ bản thuộc Ngân hàng Goldman Sachs viết trong một báo cáo ngày 22/12 rằng, tình trạng dư cung dầu sẽ tiếp diễn trong năm tới và điều này sẽ buộc nhiều mỏ dầu phải đóng cửa. Còn chiến lược gia năng lượng Gareth Lewis-Davies thuộc Ngân hàng BNP Paribas cho rằng, nhìn chung “tâm lý thị trường vẫn tin là giá dầu còn giảm”.
Con số 66.000 tỷ đồng thu từ dầu thô năm 2015 còn thấp hơn cả tiền nợ đọng thuếSẽ dễ dự đoán nếu giá dầu chỉ đơn thuần phụ thuộc vào cung – cầu trên thị trường. Vấn đề nằm ở chỗ, giá dầu lại là cuộc chơi chính trị của các ông lớn như Mỹ, Nga… Đó thực sự là một cuộc chiến và vì thế, các căng thẳng chính trị giữa các quốc gia này được giải quyết đến đâu sẽ quyết định giá dầu ở mức nào. “Vì không ai dự đoán được giá dầu sẽ thế nào, nên chúng ta phải chủ động có giải pháp để ứng phó, nhất là trong trường hợp giá dầu giảm xuống 20 USD/thùng” – TS. Lưu Bích Hồ nói và cho rằng, giải pháp ứng phó vẫn phải là tái cơ cấu nền kinh tế, tìm kiếm các nguồn thu khác, tăng cường xuất khẩu nông sản…
Tuy nhiên, chính vị chuyên gia này cũng phân vân về các giải pháp ứng phó mà ông gợi ý, bởi tái cơ cấu nền kinh tế đang đi rất chậm, xuất khẩu nông sản đang gặp khó, còn tìm kiếm các nguồn thu khác thì cũng không hề đơn giản…Bài toán giá dầu giảm sốc càng ngày càng trở nên nan giải.
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)