Lợi ích về giảm thời gian đi lại, tai nạn giao thông của đường cao tốc thì có thể thấy rõ. Tuy nhiên, lợi ích về chi phí di chuyển thì sao?
Trả lời câu hỏi phí đường bộ tuyến Hà Nội - Thái Bình đi qua cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình có 90km nhưng phải đóng tới 125.000 đồng lộ phí, Vụ trưởng Chính sách thuế nói đường cao tốc đem lại nhiều lợi ích, trong đó có lợi gấp đôi về tiền xăng.
Trong một trả lời phỏng vấn báo VietNamNet về lệ phí đường bộ gần đây tăng mạnh, Vụ trưởng chính sách thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi cho rằng việc tăng phí như vậy là hợp lý vì cùng với lệ phí cao thì người dân cũng được hưởng lợi nhiều hơn. Cụ thể trường hợp tuyến cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình phí tăng cao nhưng lợi ích là "xăng chúng ta giảm được một nửa. Hai nữa là khấu hao phương tiện, ba nữa là sửa chữa phương tiện rồi nhiều lợi ích khác như giảm tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường".
Lợi ích về giảm thời gian đi lại, tai nạn giao thông thì có thể thấy rõ. Còn lợi ích xăng giảm một nửa có chính xác không? Hay thực tế đường cao tốc giúp giảm nhiên liệu như thế nào? Chúng ta hãy đi tìm câu trả lời thỏa đáng.
Đường cao tốc giúp tiết kiệm xăng như thế nào?
Theo một nghiên cứu về hiệu quả năng lượng dựa theo tốc độ với các phương tiện khác nhau của Cơ quan môi trường Mỹ (EPA) công bố năm 2010, đi xe tốc độ cao sẽ có lợi về tiêu thụ nhiên liệu hơn. Chẳng hạn một số phương tiện đạt hiệu quả nhiên liệu tốt nhất ở mức 100km/giờ hơn là mức 70km/giờ, tất nhiên tốc độ tối ưu ở đây tùy thuộc loại xe và loại động cơ.
Biểu đồ dưới đây sẽ phần nào chỉ rõ điều đó, ngoài ra bạn có thể tham khảo mức tiêu hao nhiên liệu tương ứng với từng mẫu xe ở chuyên trang về hiệu quả nhiên liệu trực thuộc EPA.
Biểu đồ so sánh mức tiêu thụ nhiên liệu của các loại xe dựa theo tốc độ, trong đó biểu thị hiệu quả nhiên liệu (Fuel economy) tương ứng với tốc độ (speed), trong đó 1mph = 1,6km/giờ và 1mpg = 0,43km/lít. Ví dụ như mẫu xe Oldsmobile Clutlass 1994 đạt hiệu suất cao nhất ở tốc độ 60 mph tương ứng với 96km/giờ (nguồn: EPA)
Những yếu tố ảnh hưởng tới hiệu suất tiêu thụ nhiên liệu
Để rõ hơn, theo phân tích trên chuyên trang OtoSaigon, vấn đề đầu trong việc tiêu thụ nhiên liệu động cơ có lẽ chính là vòng tua động cơ tại những tốc độ khác nhau. Tại cùng tốc độ, vòng tua duy trì thấp hơn sẽ mang lại mức tiêu thụ nhiên liệu tốt hơn.
Chẳng hạn, trên mẫu xe Hyundai Accent Blue 2015 với hộp số vô cấp CVT, nếu duy trì đều ở bất cứ tốc độ nào dưới 60 km/giờ, động cơ đều có thể duy trì ở mức vòng tua 1.300 vòng/phút. Tại tốc độ 80 km/giờ, hộp số CVT giúp Accent Blue duy trì tại vòng tua 1.500 vòng/phút, còn tại 100 km/giờ vòng tua khoảng 1.800 vòng/phút. Đây là những con số lý tưởng với một chiếc xe động cơ 1.4L.
Biểu đồ mức tiêu thụ nhiên liệu tương ứng với các mức tốc độ, với giả định lực ma sát không đổi - trong khi thực tế thì đi càng nhanh càng bị lực cản của gió/không khí (nguồn: OtoSaigon)
Dựa vào biểu đồ này có thể thấy, nếu lái xe ở tốc độ 80km/h là có lợi nhất: So với tốc độ 40km/h thì nhiên liệu chỉ tăng có 8%, nhưng quãng đường đi được trong 1 giờ tăng lên 200% và do đó sẽ có lợi thế về nhiên liệu tiêu thụ trên cùng một quãng đường khi lái xe tốc độ cao hơn.
Biểu đồ về mức độ tiêu thụ xe ở đường cao tốc và ở đường nội thành/chật hẹp (nguồn: EPA)
Với những phong cách/thói quen lái xe khác nhau, những đoạn đường khác nhau, kết quả thử nghiệm cũng có sự chênh lệch. Chưa kể những yếu tố ngoại cảnh như thời tiết, mưa gió.... Nhưng dựa trên biểu đồ trên của EPA có thể thấy dù lái xe trên cao tốc tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn so với trong đô thị nhưng phần lớn các tiêu hao đó đều là tiêu hao hữu ích (dành cho máy và truyền động) thay vì cho vô ích (tiêu hao cho phanh, trạng thái dừng), chưa kể những lợi ích khác ở tầm vĩ mô.
Đến đây chúng ta có thể tạm kết luận đi đường cao tốc thực sự có lợi về xăng so với đường đô thị hoặc chật hẹp thông thường, khi mà mức tiêu hao nhiên liệu tăng lên 8-15% tương ứng đi được quãng đường gấp 200%-150%, xét riêng về tiêu hao nhiên liệu trên cùng một khoảng cách.
Nhưng đường cao tốc không giúp giảm "một nửa" tiền xăng
Với những con số của EPA thống kê và những phân tích trên trang OtoSaigon, thực sự thì độ lợi xăng trên đường cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình không thể nhân đôi tới 50% như một quan chức trong Bộ tài chính lập luận: "Nếu trước chúng ta đi 4 tiếng thì giờ 2 tiếng, xăng chúng ta giảm được một nửa". Nhất là khi trên quãng đường cao tốc ấy "mọc" ra một loạt điểm thu phí chưa thực sự hợp lý, khiến tiền phí đội lên tới 125 ngàn qua 4 trạm thu phí trên một quãng đường vỏn vẹn chỉ... 90km, bất chấp việc họ đã phải nộp các khoản phí bảo dưỡng đường bộ hằng năm và Thủ tướng chính phủ đã yêu cầu gỡ bỏ các trạm thu phí không thuộc gói BOT (hình thức xây dựng - hoạt động - chuyển giao).
Dù biết chính sách BOT là xu hướng tất yếu, nhưng việc tính toán để đưa ra hạn mức thu phí hợp lý là điều mà các nhà đầu tư lẫn quản lý phải làm được, nếu không sẽ tạo ra nhiều hệ lụy và tâm tư tiêu cực như nhiều chia sẻ trên mạng trong thời gian gần đây.
Đối với người dân, họ không cần biết quãng đường ấy "lợi xăng" như thế nào, chỉ cần biết giờ đi cao tốc đóng phí còn cao hơn cả mức chênh lệch tiền xăng thì khó lòng thuyết phục họ rằng đi cao tốc là... có lợi, như thành viên Hako trên diễn đàn Otofun chia sẻ, "đi Quốc lộ 1 em thấy không nhanh hơn trước là bao vì toàn biển hạn chế tốc độ đô thị, mà tiền thì mất quá nhiều".
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)