Theo đúng lộ trình, từ 1.6.2016 sẽ dừng tiêu thụ xăng khoáng RON 92, chuyển sang dùng xăng sinh học E5 tại 8 tỉnh, thành phố song các DN kinh doanh xăng dầu cho biết, họ vẫn chỉ đang “nghe ngóng”.
Xăng E5 sẽ có giá thấp hơn các mặt hàng xăng dầu khác
DN lúng túng…
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, một DN xăng dầu đầu mối phía Nam cho biết, DN chúng tôi rất lúng túng, chưa biết phải thực hiện bán xăng E5 thay thế hẳn xăng RON 92 thế nào?! Lộ trình là vậy nhưng DN không thấy có chế tài ban hành kèm để thực hiện. Văn bản của Nhà nước “chát” xuống DN vẫn là “khuyến khích bán” chứ không phải “bán thay thế xăng RON 92”-vị đại diện DN này nói.
Theo ông Trần Minh Hà, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro), hiện tỷ lệ xăng E5 bán ra trong hệ thống của Saigon Petro mới chỉ đạt gần 10%.
Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)- DN có tỷ lệ bán xăng E5 lớn nhất cả nước, cũng không tránh khỏi lo ngại việc đảm bảo nguồn cung xăng E5 khi thay thế xăng A92 từ 1.6 tới. Trao đổi với báo chí, đại diện Petrolimex cho biết, DN có 2 nguồn cung cấp xăng E5 từ các điểm phối trộn do tập đoàn tự xây dựng cùng với nguồn từ công ty lọc hóa dầu Bình Sơn. Tuy nhiên, theo quy định của Nghị định 83, có rất nhiều loại hình phân phối như đại lí, tổng đại lí, thương nhân phân phối, thương nhân nhận quyền bán lẻ... Thương nhân phân phối lại được quyền mua của nhiều đơn vị, do đó nếu chỉ phụ thuộc vào 1 - 2 đầu mối sẽ không thể đảm bảo chắc chắn nguồn cung cấp xăng E5 cho cả hệ thống.
Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác ở miền Bắc cũng tiết lộ, cơ quan Nhà nước khẳng định đáp ứng đủ xăng E5 bán ra thị trường thay thế xăng RON 92 từ 1.6 tới, song có rất nhiều vấn đề nảy sinh. “Đủ nguyên liệu” ở đây là thế nào nếu giá nguyên liệu đầu vào của xăng E5 cứ cao vọt như hiện nay thì DN nào chịu pha trộn để có xăng E5? Chưa kể, DN không thực hiện pha chế xăng E5 hiện cũng chưa có chế tài nào bắt buộc”-vị đại diện DN này cho biết.
Thị trường, người tiêu dùng còn bất ổn
Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương, ông Nguyễn Phú Cường, thừa nhận: Khi xây dựng bài toán đầu tư, các DN xăng sinh học dựa trên cơ sở giá dầu thô khoảng 100-105 USD/thùng và giá sắn để sản xuất ethanol là 2.300-3.000 đồng/kg. Tuy nhiên, diễn biến trên thực tế lại đi ngược lại, chỉ một vài năm sau, giá dầu thô sụt giảm còn 30-40 USD/thùng và giá sắn lại tăng lên tới 4.700-5.000 đồng/kg. Giá nhiên liệu thô thấp còn giá thành sản xuất ethanol lại cao nên sản phẩm đã không có sức cạnh tranh.
Về góc độ người tiêu dùng, việc thay thế xăng RON 92 bằng xăng E5 cũng đặt ra không ít vấn đề. Sau hơn 1 năm (kể từ ngày 1.12.2014) khi bắt đầu bán ra thị trường, xăng E5 vẫn chưa được người tiêu dùng đón nhận. Bạn đọc Nguyễn Đình Dinh chia sẻ: “Trình độ quản lý các cây xăng của ta còn lỏng lẻo, đạo đức cây xăng kém nếu lọt nước vào xăng E5 họ sẽ làm ngơ để bán cho người tiêu dùng”.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng nhìn nhận: Tuyên truyền sử dụng xăng E5 thời gian qua không hiệu quả khiến thị trường, tâm lý người tiêu dùng bất ổn. Chúng ta chưa chứng minh được xăng E5 tốt với thiết bị của người dùng, mang lại lợi ích kinh tế. Mức chênh lệch giá xăng E5 với RON 92 chỉ 300-500 đồng/lít thì khó lôi cuốn người dân dùng xăng E5.
Về phía Nhà nước, xăng E5 được hỗ trợ không ít để thúc đẩy việc tiêu thụ, như cho phép mức trích lập quỹ bình ổn giá của xăng E5 thấp hơn so với xăng A92 khoảng 500 đồng/lít, giúp cho người sử dụng xăng E5 được lợi khoảng 500 đồng/lít.
Các công ty đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng được hỗ trợ để bán loại xăng này, khoảng 250 đồng/lít, bao gồm chi phí phối trộn, hao hụt và một phần lợi nhuận cho các công ty đầu mối phân phối xăng dầu. Với sự hỗ trợ, người tiêu dùng và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu như Petrolimex, Pvoil, Saigonpetro, Mipec… đã không bị thiệt khi kinh doanh xăng E5. Song rõ ràng, lộ trình bán xăng E5 vẫn đang phải “vất vả, khó khăn trăm bề”.
Theo TS. Đoàn Văn Bình, Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), để lộ trình bán xăng E5 được thực hiện đúng kế hoạch, tất cả chỉ nằm ở hai chữ “hiệu quả”. Chúng ta không thể bắt buộc người tiêu dùng phải sử dụng xăng sinh học E5. Người tiêu dùng có quyền được lựa chọn và sử dụng xăng theo nhu cầu, theo đúng quy định của Nghị định 83”, TS. Bình cho biết.
Thực tế, trong bối cảnh giá xăng dầu hiện nay, các nhà phân phối xăng dầu thực hiện việc nhập khẩu xăng truyền thống khá dễ dàng và đơn giản… Ngược lại, để đầu tư công nghệ phối trộn xăng E5 lại khá phức tạp, điều này đã dẫn đến việc: Dù đã trích tăng thêm tỷ lệ hoa hồng tới hơn 200 đồng/lít xăng E5 cho các cửa hàng, đại lý bán lẻ nhưng vẫn không tăng thêm được lượng cầu của người tiêu dùng.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu xác định xăng E5 là loại nhiên liệu cần phải được ưu tiên, thay thế xăng khoáng truyền thống, Nhà nước cần phải có chính sách cho riêng loại xăng này rõ ràng, cụ thể.
Theo Quyết định 53/2012 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1.6 ngưng bán xăng RON A92 tại 8 tỉnh, thành trên cả nước, thay vào đó sẽ bán xăng sinh học E5. Cụ thể, 100% lượng xăng RON 92 sẽ được thay thế bằng xăng sinh học E5 tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP HCM. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác, đến ngày 1.6.2016 phải đạt tối thiểu 50% số lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại địa phương bán xăng E5 và 50% lượng xăng RON 92 được thay thế bằng xăng E5.
Xăng sinh học E5 được pha chế từ 95% xăng RON A92 và 5% ethanol khan (99,5%). Người dân hoàn toàn có thể đổ luân phiên xăng A92, A95 và E5 mà không ảnh hưởng gì đến sự hoạt động của động cơ hoặc có thể đổ cả 3 loại xăng này một lúc cũng không hề ảnh hưởng gì.
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)