Theo Ban chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm về dầu khí, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Qatar (Qatar Petroleum - QP) đã thông báo ý định rút khỏi dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Long Sơn quy mô 4,5 tỷ USD tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Lý do được Tổng giám đốc QP đưa ra khi rút khỏi liên danh nhà đầu tư dự án là nhằm định hướng, tái cơ cấu và thay đổi chiến lược QP.
Hiện các thành viên còn lại của liên danh nhà đầu tư như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Công ty SCG Chemicals (Thái Lan) đang đàm phán với QP về điều khoản chuyển nhượng phần vốn của QP trong Liên hợp Lọc hóa dầu Long Sơn. Phát sinh đi kèm khi QP rút khỏi liên danh nhà đầu tư là việc duy trì thỏa thuận cung cấp nguyên liệu propan và naphtha với Công ty Kinh doanh dầu mỏ quốc tế Qatar (Tasweeq). Bộ Công Thương đã yêu cầu PVN và SCG nghiên cứu phương án dự phòng về cung cấp nguyên liệu trong trường hợp đàm phán cung cấp nguyên liệu với Tasweeq không thành.
Việc QP quyết định rút khỏi Liên hợp Lọc hóa dầu Long Sơn để lại nỗi lo cho nhiều dự án lọc hóa dầu tỷ đô khác, như Tổ hợp dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội có tổng mức đầu tư dự kiến 22 tỷ USD; dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô vốn đầu tư 3,2 tỷ USD; dự án Nhà máy Lọc dầu Nam Vân Phong vốn đầu tư 8 tỷ USD... Thực tế tiến độ triển khai các siêu dự án lọc dầu này đang rất ì ạch. Liệu có hay không các cuộc tháo chạy tiếp theo của các nhà đầu tư khỏi các siêu dự án lọc dầu này, khi họ nhận ra các lợi thế cạnh tranh đang mất dần và ưu đãi đầu tư không còn đủ sức hấp dẫn?
Có một thực tế, ngoại trừ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, các siêu dự án lọc dầu còn lại trên cả nước đều phải trông chờ vào nguồn nguyên liệu, dầu thô nhập khẩu từ Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latin để vận hành. Đây là bất lợi lớn vì giá các sản phẩm lọc hóa dầu tại Việt Nam phải gánh thêm chi phí vận chuyển nguyên liệu nhập khẩu.
Lý do thứ hai khiến nhà đầu tư có thể rút lui khỏi các dự án lọc dầu trong nước là không phải dự án nào cũng được hưởng mức ưu đãi cao nhất như Chính phủ đã dành cho siêu dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn và dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Trong báo cáo đánh giá tác động của Tổ hợp Lọc hóa dầu Nhơn Hội, Bộ Công Thương đã thẳng thắn cho rằng với 2 dự án lọc hóa dầu Dung Quất và Nghi Sơn, Việt Nam đã cơ bản chủ động được nguồn cung xăng dầu, đáp ứng 60-70% nhu cầu trong nước, vì vậy không bắt buộc phải xây thêm các nhà máy lọc dầu mới.
Bộ này cũng cho rằng các dự án nhà máy lọc dầu đầu tư sau sẽ không được hưởng các chính sách ưu đãi như các dự án nhà máy lọc dầu đã hoạt động và đang triển khai xây dựng, do Việt Nam đã hội nhập sâu rộng, các hàng rào thuế quan dần được xóa bỏ. Vì vậy, nhiều ưu đãi được Tập đoàn Dầu khí quốc gia Thái Lan (PTT), Công ty Saudi Aramco đưa ra trong đề xuất đầu tư siêu dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội (như miễn tiền thuê đất trong 70 năm; ưu đãi thuế nhập khẩu sản phẩm; được bù giá khi có sự thay đổi; được hưởng thuế thu nhập DN 10% trong 30 năm, trong đó 13 năm đầu miễn thuế, miễn thuế xuất khẩu cho tất cả sản phẩm xuất khẩu của dự án…) đã được cân nhắc rất kỹ, thậm chí một số đề xuất ưu đãi đã bị từ chối.
Lý do thứ ba khiến các nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ sau khi đề xuất đầu tư các dự án lọc dầu tỷ USD tại Việt Nam, là theo quy hoạch phát triển ngành dầu khí giai đoạn đến năm 2015 và định hướng đến 2025, dự báo nhu cầu các sản phẩm xăng dầu trong nước vào năm 2025 khoảng 41 triệu tấn. Và sau khi Chính phủ đồng ý bổ sung Tổ hợp Lọc hóa dầu Nhơn Hội vào quy hoạch (tháng 12-2014), nguồn cung xăng dầu trong nước dự báo đạt 52 triệu tấn/năm, dư thừa khoảng 11 triệu tấn xăng dầu.
Nếu các dự án nhà máy lọc dầu trong nước đang vận hành mở rộng trong giai đoạn 2020-2030, lượng xăng dầu dư thừa sẽ tăng lên và xuất hiện sự cạnh tranh gay gắt giữa các dự án lọc hóa dầu trong nước. Thời gian qua, để đưa Tổ hợp Lọc hóa dầu Nhơn Hội vào quy hoạch, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ loại bỏ khỏi quy hoạch dự án Nhà máy Lọc dầu Cần Thơ, giãn tiến độ hoàn thành Nhà máy Lọc dầu Long Sơn sang sau năm 2025. Điều này cho thấy dư địa phát triển các dự án nhà máy lọc dầu tỷ USD trong thời gian tới không hề dễ dàng.
Thi công lắp đặt Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn.
Một áp lực khác là xu thế hội nhập sẽ làm các dự án lọc hóa dầu trong nước buộc phải cạnh tranh với xăng dầu nhập khẩu đến từ các nước ASEAN. Mới đây, PVN đã có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan về tác động chính sách thuế nhập khẩu xăng dầu với sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Trong đó, PVN cho biết lượng xăng dầu tồn dư của nhà máy trong tháng 12-2015 khoảng 100.000-110.000m3.
Các sản phẩm hóa dầu của nhà máy như chất dẻo, nhựa PP cũng gặp khó khi chênh lệch giữa thuế nhập nhẩu và thuế nhập khẩu ưu đãi tăng lên 3% vào năm 2016. Đặc biệt, kể từ 1-1-2016, nhiều khách hàng đang tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của nhà máy có khả năng chuyển sang nhập khẩu xăng dầu từ các nước ASEAN khi thuế nhập khẩu nhiều sản phẩm xăng dầu về 0%. Sức ép từ xăng dầu nhập khẩu thời gian tới cũng sẽ là lý do khiến nhà đầu tư phải cân nhắc tiếp tục đầu tư hay rút lui khỏi các dự án lọc dầu tỷ USD trong thời gian tới.
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)