Thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp xăng dầu phản ánh về tình trạng khó nhập xăng do các đầu mối hạn chế nguồn hàng. Bộ Công Thương nắm bắt thông tin, khẳng định lượng xăng dầu trong nước không hề thiếu.
Theo thông tin phản ánh của một số đại lý kinh doanh xăng dầu trong những ngày vừa qua, việc nhập hàng từ thương nhân đầu mối diễn ra khó khăn hơn, hàng bán ra nhỏ giọt và nguồn cung có dấu hiệu khan hiếm do từ đầu năm 2019, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ngưng cung cấp hàng. Các DN đang phải vay mượn nguồn hàng của nhau.
Doanh nghiệp lo sợ thiếu xăng (ảnh minh họa).
Trên thực tế, qua trao đổi với báo Sài Gòn Giải phóng, đại diện Sở Công Thương TP.HCM khẳng định, nguồn cung xăng dầu trên địa bàn vẫn dồi dào; không nhận được bất cứ thông tin nào của các doanh nghiệp đầu mối, cửa hàng xăng dầu phản ánh về nguy cơ thiếu hụt bất cứ loại xăng dầu nào.
Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Petrol Saigon) Trần Minh Hà cho biết, tình trạng lo ngại thiếu nguồn cung xăng RON 95 là có, nhưng chỉ xảy ra với những doanh nghiệp nhập hàng từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hiện chiếm hơn 50% lượng xăng dầu cho các doanh nghiệp đầu mối nhưng những ngày qua đang gặp sự cố nên cung cấp bị gián đoạn.
Được biết, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã cung cấp dầu bình thường trở lại, 2 ngày nữa sẽ cung cấp xăng, tình hình sẽ ổn định. Đại diện Petrolimex Saigon không đưa ra ý kiến bình luận về thông tin thiếu hụt nguồn cung xăng RON 95, nhưng khẳng định luôn đảm bảo đầy đủ nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu phục vụ người tiêu dùng.
Chia sẻ với Thanh Niên, một chuyên gia xăng dầu cho rằng thông tin khan hiếm nguồn hàng có thể bắt nguồn từ việc chênh lệch giữa giá bán ra với giá cơ sở của các mặt hàng xăng dầu phổ biến trên thị trường hiện rất lớn, có mặt hàng chênh nhau gần 3.000 đồng/lít do việc “kìm giá” bán lẻ trong những kỳ điều hành vừa qua bằng cách liên tục xả Quỹ bình ổn xăng dầu. Hệ quả là hầu hết DN đầu mối đang khó khăn do âm quỹ này.
Ông Cao Hoài Dương, Tổng công ty dầu VN (PVOil)cho biết, Quỹ bình ổn đặt tại DN đang bị âm khoảng 400 tỉ đồng.
“Quỹ này âm nghĩa là tổng công ty đang phải dùng tiền của DN hoặc vay ngân hàng để thực hiện nghĩa vụ cho Nhà nước. Thêm nữa, hiện chiết khấu cho bán lẻ không bù được chi phí do giá bán lẻ mấy lần rồi không tăng. Bán lẻ đang rất vất vả đến mức chúng tôi nói với nhau rằng DN bán lẻ nào vừa qua mà kinh doanh có lãi là phải giải trình vì lỗ là điều hiển nhiên”, ông Dương chia sẻ.
Ở 2 kỳ điều hành gần nhất, do giá xăng dầu thế giới biến động tăng mạnh nên Liên Bộ Công Thương- Tài chính đã quyết định giữ ổn định giá xăng dầu, tăng mức chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế tác động "té nước theo mưa" nếu tăng giá xăng dầu và tăng giá điện vào cùng thời điểm.
Cụ thể, ở kỳ điều hành ngày 18/3, xăng E5RON92 chi sử dụng quỹ 2.801 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 2.000 đồng/lít); Xăng RON95: 2.061 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 1.250 đồng/lít);
Dầu diesel chi sử dụng quỹ giảm nhẹ, còn 1.343 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 1.354 đồng/lít); Dầu hỏa 1.065 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 1.078 đồng/lít); Dầu mazut chi sử dụng quỹ 1.640 đồng/kg (kỳ trước chi sử dụng 1.400 đồng/kg).
Đây là mức chi sử dụng quỹ rất cao. Một chuyên gia kinh tế cho rằng, bộ Công Thương đã điều hành xăng dầu một cách "giật cục" và chưa tính toán hết, do có độ trễ nên tác động của việc tăng giá điện và tăng giá xăng dầu đều ảnh hưởng đến tháng sau.
Nắm bắt thông tin, đại diện bộ Công Thương cho biết: "Thời gian vừa qua, thị trường xăng dầu thế giới có những biến động về cung cầu và giá ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu trong nước.
Nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong nước, bộ Công Thương đã yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước, cung ứng đủ, liên tục nguồn hàng xăng dầu cho các đơn vị tiêu thụ trong hệ thống. Phía các doanh nghiệp đã cam kết có phương án nhập khẩu thay thế nguồn trong nước trước mắt.
Bên cạnh đó, cần theo dõi sát diễn biến nguồn hàng, trường hợp gặp khó khăn, vượt thẩm quyền giải quyết, báo cáo về Bộ Công Thương để có phương án xử lý kịp thời.
Bộ Công Thương đã yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, nếu phát hiện cây xăng nào găm hàng sẽ xử phạt nghiêm.
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)