Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2016, dự báo giá dầu thế giới tiếp tục diễn biến bất thường, vì vậy, ngành Tài chính cũng sẽ có những biện pháp ứng phó cụ thể, linh hoạt để bảo đảm thu ngân sách, đồng thời điều hành giá bán lẻ trong nước theo hướng minh bạch.
- Sự biến động liên tục của giá dầu thô trong năm vừa qua có thể coi là một thách thức lớn với ngành Tài chính. Bộ trưởng có thể cho biết đánh giá về công tác điều hành tài chính - ngân sách?
- Quốc hội đã thông qua một số quy định pháp luật sửa đổi về thuế. Bộ Tài chính cũng đã ban hành quy định hướng dẫn thực thi như biểu thuế tài nguyên, bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt…, qua đó điều chỉnh chính sách thu theo hướng tăng thu nội địa, giảm thu từ xuất, nhập khẩu và dầu thô. Bên cạnh đó, ngành tập trung cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, nợ đọng, chống chuyển giá. Riêng lĩnh vực này năm 2015, ngành Tài chính đã thu được 40.000 tỷ đồng nợ thuế của năm 2014 chuyển qua.
Đặc biệt, Bộ Tài chính đã triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để bảo đảm cân đối ngân sách và triển khai đồng bộ, quyết liệt việc quản lý giá theo nguyên tắc thị trường. Vấn đề nữa là trong bối cảnh giá dầu giảm sâu, chi phí đầu vào cũng giảm, thúc đẩy tăng trưởng sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN). Kết thúc năm 2015, tổng thu ngân sách vượt dự toán Quốc hội giao gần 8%; không phải sử dụng 10.000 tỷ đồng thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để bù hụt thu ngân sách trung ương do giá dầu giảm.
Ngành Tài chính tập trung cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Ảnh: Nhật Nam
- Theo dự báo, nền kinh tế năm 2016 tiếp tục có những biến động. Bộ trưởng đánh giá thế nào về tác động trực tiếp đến công tác tài chính - ngân sách?
- Giá dầu thô trong dự toán năm 2016 đã được Quốc hội thông qua là 60 USD/thùng. Nhưng từ đầu năm đến nay, giá dầu thô thế giới rất thấp, dưới 35 USD/thùng. Thêm vào đó, việc cắt giảm lộ trình thuế quan theo các cam kết quốc tế sẽ giảm thu NSNN khoảng 10.000 tỷ đồng. Đây là hai yếu tố sẽ tác động trực tiếp tới ngân sách trung ương.
Để ứng phó, Bộ Tài chính đã xây dựng các kịch bản về giá dầu thô trong năm 2016 với các mức giá từ 55 USD giảm xuống 30 USD/thùng để làm cơ sở điều hành dự toán NSNN. Những giải pháp đã thực hiện rất thành công trong năm 2015 như cắt giảm chi, điều chỉnh chính sách thu, hay tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu, nợ đọng thuế, gian lận thương mại sẽ tiếp tục được thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ theo sát diễn biến giá xăng, dầu để điều hành, bảo đảm chi phí đầu vào của nền kinh tế cũng giảm theo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây là tiền đề quan trọng nhất để tăng thu NSNN.
- Mặc dù việc điều hành giá xăng dầu thời gian qua đã được đánh giá sát thực tế, song người tiêu dùng vẫn băn khoăn giá bán lẻ xăng, dầu giảm chưa tương xứng với giá thế giới. Điều này sẽ được khắc phục ra sao, thưa Bộ trưởng?
- Giá dầu thô và giá xăng dầu bán lẻ là hai khái niệm có quan hệ với nhau nhưng không đồng nhất với nhau về tỷlệ giá. Bởi lẽ, giá xăng, dầu bán lẻ bên cạnh giá dầu thô còn phụ thuộc vào chế biến, lưu thông, dự trữ và thuế. Trên thực tế, chi phí dầu thô chỉ chiếm 40% trong giá bán lẻ xăng, 50% trong giá bán lẻ dầu. Như vậy, không thể so sánh việc giảm giá dầu thô khoảng 40% thì giá bán lẻ xăng dầu cũng giảm tương ứng 40%. Bởi vì những chi phí sản xuất, lưu thông là những chi phí tương đối cố định và thậm chí trong điều kiện hiện nay còn tăng lên. Nhìn lại việc điều hành giá bán lẻ xăng dầu thời gian qua, có thể thấy, giá bán lẻ trong nước cơ bản phù hợp với diễn biến giá dầu thô trên thế giới.
Trong năm 2016, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục kiên định điều hành giá xăng, dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước về kinh doanh xăng, dầu. Việc điều hành sẽ bảo đảm thông tin minh bạch cao hơn. Đặc biệt, Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra về giá bán lẻ xăng, dầu theo đúng quy định của Chính phủ.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trao đổi!
* Năm 2015, công tác điều hành chi NSNN được thực hiện chủ động, tích cực, bảo đảm đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi theo dự toán được giao và các nhiệm vụ quan trọng đột xuất. Bộ Tài chính đã thực hiện xuất cấp 108 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu đói, cứu trợ cho nhân dân và hỗ trợ học sinh vùng khó khăn.
Hệ thống Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát chi 736,5 nghìn tỷ đồng chi thường xuyên của NSNN, phát hiện gần 29 nghìn khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định. Bội chi NSNN được điều hành trong phạm vi Quốc hội quyết định là 226 nghìn tỷ đồng, tương đương 5% GDP. Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách chính quyền địa phương các cấp được bảo đảm.
* Mức nợ công năm 2015 vẫn bảo đảm trong giới hạn cho phép, khoảng 61,3% GDP.
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)