Bộ Tài chính vừa có một đề xuất là tăng khung thuế bảo vệ môi trường (BVMT) mặt hàng xăng, dầu lên gấp 2-3 lần so với hiện hành. Câu hỏi đặt ra lâu nay nhưng chưa có câu trả lời là tiền thuế BVMT thu về đang được sử dụng ra sao.
Vì nguồn thu ngân sách
Trong tờ trình Chính phủ về đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết khung thuế mới được điều chỉnh theo hướng mức thuế tối thiểu bằng mức thuế đang áp dụng, còn mức thuế tối đa bằng hai lần mức thuế trần hiện hành.
Theo cơ quan soạn thảo, việc điều chỉnh khung thuế như đề xuất là để tạo thêm dư địa điều chỉnh mức thuế trong trường hợp cần thiết. Hiện tại, thuế BVMT với xăng, dầu đã gần bằng mức trần trong khung thuế (mức 3.000 đồng/lít trong khi trần là 4.000 đồng/lít). Trong trường hợp cần thiết phải điều chỉnh mức thuế để phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ thì sẽ rất khó vì dư địa còn lại là quá nhỏ.
Đồng thời, cơ quan soạn thảo cũng đã báo cáo về tình hình số thu từ thuế BVMT và sự đóng góp của sắc thuế này trong “trường hợp cần thiết”. Theo đó, các con số đã tăng liên tục và ổn định qua các năm từ năm 2012 đến năm 2016. Đặc biệt, con số của năm 2015 (27.020 tỉ đồng) đã tăng hơn gấp đôi so với năm 2014 (11.970 tỉ đồng) là do từ ngày 1-5-2015, thuế BVMT với các mặt hàng xăng, dầu tăng ba lần (trừ dầu hỏa). Sang năm 2016, mức thu còn tăng mạnh, đạt 42.393 tỉ đồng, hỗ trợ rất nhiều cho ngân sách trong bối cảnh giá dầu giảm.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, lý lẽ của Bộ Tài chính không thuyết phục. “Nói là mức thuế hiện tại đã gần sát mức tối đa trong khung nhưng 3.000 đồng/lít xăng đã chiếm hơn 17% trong giá bán lẻ. Ngoài thuế này thì xăng, dầu còn gánh nhiều loại thuế khác, gồm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt... chiếm gần 50% cơ cấu giá bán lẻ”, ông Long nói.
Cũng theo ông Long, đề xuất của Bộ Tài chính, mới chỉ nhắm vào mục tiêu ngắn hạn là bổ sung nguồn thu ngân sách nhưng đi ngược với tinh thần kiến tạo phát triển mà Chính phủ đang xây dựng, càng không đảm bảo nguyên tắc quản trị là hài hòa giữa Nhà nước - doanh nghiệp và người dân. Trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam đã thua kém về năng lực cạnh tranh khi hội nhập thì tăng thuế BVMT sẽ kéo theo hệ quả tất yếu là tăng giá xăng, dầu (đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất), làm cho doanh nghiệp yếu đi. Tương tự, áp lực giá lên sức mua của người dân càng lớn.
Còn theo nhận xét của luật sư Châu Huy Quang, Trọng tài viên - Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) thì giải trình sơ lược của Bộ Tài chính chưa làm rõ được vấn đề sử dụng nguồn thuế thu được và cũng chưa nêu được những tác động đối với nền kinh tế. Theo ông Quang, xăng, dầu là mặt hàng thiết yếu nên nếu thuế tăng như đề xuất, giá có cao thì người dân vẫn buộc phải sử dụng. Tuy nhiên, sự tác động đến đời sống nhân dân, doanh nghiệp, chỉ số lạm phát... là rất lớn. Đây là lý do cần có một báo cáo tác động nghiêm túc, đầy đủ hơn.
Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường hiện rất nghiêm trọng, nhất là các đô thị lớn và cần có nguồn lực tài chính lớn để cải thiện môi trường. Nếu tăng thuế và dùng toàn bộ nguồn thu này cho môi trường thì người dân có thể chấp nhận. Nhưng, vấn đề là số thu từ thuế BVMT ngày càng lớn (sau khi tăng gấp ba lần trên mỗi lít xăng từ giữa 2015) nhưng môi trường lại ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn. Tất nhiên, cũng cần đánh giá các nguyên nhân gây ô nhiễm để từ đó tính toán mức thuế BVMT cho công bằng. Nhiều ngành công nghiệp hiện đang “đóng góp” lớn vào mức độ ô nhiễm môi trường, như công nghiệp sản xuất thép, hóa chất, thực phẩm... Do vậy, tăng thuế BVMT đối với xăng, dầu thì cũng cần có đánh giá tính phù hợp và sự cân bằng với mức thuế BVMT đánh vào các lĩnh vực khác.
Trao đổi với TBKTSG, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đầu mối có phần e dè khi được hỏi về đề xuất tăng thuế. Ông này cho rằng đây là chuyện vĩ mô, chuyện lớn của ngân sách nhà nước (NSNN). Tuy nhiên, ông thừa nhận, tăng thuế đến đâu thì doanh nghiệp xăng, dầu cũng không bị ảnh hưởng, chỉ có người tiêu dùng chịu. Bởi lẽ, mọi khoản thuế sẽ phải tính vào giá bán lẻ xăng, dầu và người tiêu dùng thì không thể không chạy xe, chạy máy...
Tiền thuế BVMT được chi ra sao?
Với khoảng 18 triệu tấn xăng dầu các loại được tiêu thụ trong năm 2016 (ước tính), thì số thu thuế BVMT từ xăng dầu chiếm phần lớn trong tổng số thu thuế BVMT năm 2016 là 42.393 tỉ đồng. Tuy nhiên, số tiền này được sử dụng ra sao?
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, cho đến giờ, vẫn chưa có văn bản, quy định nào về nguyên tắc chi BVMT. Cũng không ai giám sát được việc này. Điều duy nhất có thể thấy là môi trường ngày càng tệ đi, ô nhiễm hơn.
Luật sư Châu Huy Quang cho rằng, thuế BVMT là một nguồn thu của NSNN, tương tự như các loại thuế khác. Việc sử dụng nguồn thu này được thực hiện theo quy định của pháp luật về NSNN chứ không có quy định riêng về việc sử dụng nguồn thu từ thuế BVMT cho hoạt động BVMT. Luật NSNN 2015 quy định thuế BVMT được coi là nguồn thu của ngân sách trung ương và địa phương. Theo đó hàng năm, Nhà nước sẽ chi một phần NSNN để thực hiện sự nghiệp BVMT. Con số được Quốc hội phê duyệt hàng năm. Bên cạnh đó, chiến lược bảo vệ môi trường cũng được Thủ tướng Chính phủ ban hành bằng những quyết định hàng năm. Ví dụ Quyết định 1216/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, theo thống kê chính thức từ trang thông tin điện tử thuộc Bộ Tài chính, trong năm 2015, tổng chi BVMT chỉ là 11.746 tỉ đồng, dự kiến trong năm 2016 lên 12.290 tỉ đồng và chỉ chiếm gần 1% NSNN. Đây là con số khá khiêm tốn so với thực trạng vi phạm môi trường đang diễn ra hàng ngày hiện nay. Chưa hết, hiệu quả mang lại như thế nào trong việc bảo vệ, cải thiện môi trường thì lại càng chưa được công khai, minh bạch.
Vì vậy, theo ông Quang, trước khi xem xét tăng mức thuế BVMT, cơ quan nhà nước cần có báo cáo đánh giá tổng thể về tình hình thu - chi thuế BVMT, cần có báo cáo khoa học đánh giá mức thuế bao nhiêu là phù hợp, sử dụng vào mục đích nào là hợp lý, tránh đề xuất một cách cảm tính hay ước lượng. Có như vậy mới thuyết phục được người dân, đại biểu Quốc hội. Đồng thời, việc điều chỉnh thuế BVMT với xăng, dầu nói riêng và nhiều loại thuế khác nói chung (nếu có) cần được xem xét kỹ lưỡng dưới các góc độ mục đích ý nghĩa của loại thuế, tác động đối với kinh tế - xã hội.
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)