Bộ Công thương thừa nhận thời gian qua có khó khăn trong nguồn cung xăng dầu. Để đảm bảo nguồn cung, bộ này chỉ đạo các đơn vị đầu mối nhập hàng giá cao, dù tạm thời có thể bị lỗ.
Cửa hàng xăng của Mipec ngày 26-3 dừng bán xăng RON95 đã bán trở lại loại xăng này (ảnh chụp ngày 27-3) - ẢNh: N.AN
Trả lời Tuổi Trẻ chiều 27-3, ông Trần Duy Đông - vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) - nói:
- Ngay sau phản ánh của báo chí về tình hình cây xăng thiếu hàng, Bộ vào cuộc và khắc phục ngay trong đêm qua. Bộ vừa ký công văn hỏa tốc gửi Sở Công thương tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý kiên quyết nếu phát hiện găm hàng, bán hàng trà trộn, kém chất lượng.
Bộ Công thương nắm đủ tổng nguồn cung và cầu, nên nếu trường hợp doanh nghiệp không đủ nguồn hàng, cần báo cáo ngay để có phương án điều hành, điều tiết từ đầu mối này sang đầu mối khác, không để xảy ra thiếu xăng dầu.
Ông Trần Duy Đông
Đôi lúc quỹ bình ổn xăng dầu âm thì doanh nghiệp cũng nên chia sẻ vì lợi ích chung, chứ không thể 1-2 tháng âm mà doanh nghiệp đã kêu ầm lên như vậy. ____Ông Trần Duy Đông____ |
Thiếu hàng do sự cố
* Bộ khẳng định đủ nguồn cung. Ông lý giải thế nào về các doanh nghiệp phân phối phản ánh các đầu mối bán ra nhỏ giọt?
- Vừa qua, sự cố ngừng cấp điện ở Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, nên giao hàng chậm tiến độ mất khoảng 1 tuần. Bộ đã họp chỉ đạo ngay, yêu cầu sớm khắc phục sự cố và Nhà máy Bình Sơn vận hành tối đa công suất. Vừa rồi có tình trạng sản xuất dầu nhiều hơn vì lãi hơn, nên đã yêu cầu tăng sản xuất xăng.
* Có thông tin bộ chỉ đạo Petrolimex phải nhập những nguồn có mức giá cao hơn khiến doanh nghiệp lỗ?
- Thực tế là có. Sau khi xảy ra sự cố ở Nghi Sơn, Bộ đã hỏi các doanh nghiệp đầu mối, yêu cầu tìm nguồn nhập khẩu thay thế bù đắp. Thông thường ký hợp đồng trước 45 ngày, nên khi xảy ra đột xuất, những lô hàng phải mua giá cao hơn, hoặc mua từ các thị trường khác thuế cao hơn.
Petrolimex và PVOil trong giai đoạn vừa rồi kinh doanh lỗ. Nhưng thực hiện nhiệm vụ chính trị, đảm bảo lưu thông phân phối thì phải thực hiện. Bộ cũng yêu cầu tăng nhập khẩu kể cả các nguồn từ ngoài Hàn Quốc, hoặc các nguồn Hàn Quốc có chủ rồi cũng sẵn sàng mua lại với giá cao hơn.
* Có nghĩa là doanh nghiệp phải chấp nhận chịu lỗ tạm thời?
- Các doanh nghiệp có vốn nhà nước cũng là công cụ Nhà nước thực hiện chính sách điều tiết vĩ mô. Có thể quý này doanh nghiệp lỗ, nhưng quý sau lại lãi và tổng thể cả năm lãi. Không nên vì lỗ trong một thời điểm lại đổ cho cách điều hành của cơ quan quản lý.
Doanh nghiệp phải có cái nhìn công bằng, phải có trách nhiệm xã hội, với đất nước. Doanh nghiệp cũng có nhiều cách hạch toán chi phí, việc lỗ quý này, lãi quý sau là bình thường.
Tăng giá điện phải giữ giá xăng
* Vậy ông nghĩ sao về ý kiến nhiều doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng điều hành giá vừa qua là giật cục?
- Nguyên tắc điều hành giá xăng dầu dựa trên cơ sở kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Khi điều hành sẽ phải bám sát mục tiêu vĩ mô như CPI, nên có thời điểm điều hành phải xin ý kiến Chính phủ quyết định.
Vừa rồi tăng giá điện sau hơn 2 năm không tăng nên Bộ Công thương đã báo cáo Thủ tướng. Chính phủ phải chủ trì cuộc họp quyết định giữ giá xăng dầu, đảm bảo lợi ích phải hài hòa, tổng thể chính sách vĩ mô chung để không phá vỡ mục tiêu quản lý nhà nước, không để CPI vượt quá 4%.
* Có doanh nghiệp âm quỹ bình ổn, nếu xu hướng vẫn tăng giá. Thời gian tới bộ tính toán ra sao để tránh tăng sốc?
- Đến ngày hôm nay, chốt số liệu giá xăng dầu thế giới chưa có biến động mạnh, nên vẫn còn dư địa để điều hành. Theo quy định không được cung cấp thông tin về phương án điều hành, nhưng bộ khẳng định đã tính hết trong kỳ điều hành tới, cũng đưa ra công cụ hợp lý nhất.
Tuy vậy, có thời gian dài chúng ta không trích lập vào quỹ bình ổn với xăng E5 RON92, nhưng vẫn được bù chéo. Đây là bất cập mà tới đây chúng tôi sẽ đề xuất sửa. Chúng tôi đang trao đổi với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) để xem xét lại cách điều hành, sử dụng quỹ bình ổn giá. Ở góc độ điều hành, chúng tôi đã tính tất cả phương án rủi ro nhất.
Suy cho cùng quỹ bình ổn giá có thời điểm dương, nhưng bản chất quỹ này là ứng trước tiền người tiêu dùng trả, doanh nghiệp được lợi. Vậy đôi lúc quỹ âm thì doanh nghiệp cũng nên chia sẻ vì lợi ích chung.
Cây xăng hết hàng là do sự cố tạm thời? Ngày 27-3, đoàn công tác của Bộ Công thương đã đến một số cửa hàng được phản ánh là dừng bán xăng RON95, cho thấy các cửa hàng này đã cấp xăng RON95 trở lại. Theo bà Phan Thị Hoàn - cửa hàng trưởng cửa hàng xăng dầu số 259 Giải Phóng thuộc Tổng công ty Xăng dầu quân đội (Mipec), việc treo biển hết xăng như báo chí phản ánh là do ngày 25-3 khi bồn chứa hết xăng, nhưng trong ngày 25-3 và 26-3 xe bồn cung ứng xăng bị hỏng nên phải đến 21h tối 26-3 trạm mới được bổ sung. "Việc dán thông báo hết xăng là do nhân viên tự ý vì khi khách vào hỏi quá nhiều, dán thông báo để cho thuận tiện" - bà Hoàn nói. Tuy nhiên, khi báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi về việc tại sao cửa hàng lại thay xăng E5 RON92 vào cột bơm xăng RON95 vì theo yêu cầu về kỹ thuật, việc đưa xăng E5 vào cột bơm RON95 có thể gây rủi ro cho khách, mất thời gian trong sục rửa bồn, bà Hoàn cho rằng là để "tiện cho việc đổ xăng của khách". |
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)