Giá dầu thô trên thế giới có khả năng giảm xuống dưới 20 USD/thùng. Các chuyên gia đánh giá cao việc PVN đưa ra phương án xem xét mua dự trữ dầu thô.
Các chuyên gia đánh giá cao việc PVN đưa ra phương án xem xét mua dự trữ dầu thô. (Ảnh minh họa: KT)
Theo PGS. TS. Bùi Xuân Hồi - Giảng viên cao cấp bộ môn Kinh tế năng lượng, trường ĐHBK Hà Nội, việc giá dầu thế giới giảm sâu sẽ tác động tới ngành dầu khí Việt Nam ở cả 2 phương diện, đó là giá giảm và sản lượng bán cũng giảm. Điều này đồng nghĩa với việc giảm doanh thu của PVN cũng như tỷ trọng đóng góp từ lĩnh vực dầu khí vào GDP của quốc gia.
Mặc dù khẳng định, giá dầu thế giới không thể kéo dài tình trạng giảm sâu ở mức trên dưới 20 USD/thùng trong dài hạn, bởi đây là mức giá thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất của ngay cả các hãng dầu mỏ lớn thuộc các cường quốc xuất khẩu dầu mỏ, song, PGS. TS. Bùi Xuân Hồi cho rằng, phương án mua dự trữ dầu thô của PVN đưa ra cũng là một giải pháp vừa giúp tiết kiệm tài nguyên, vừa tránh được việc khai thác dầu thô với giá thành cao trong khi giá bán đang thấp hơn rất nhiều.
“Theo tôi hiểu thì đây là việc sử dụng thị trường phái sinh để nhằm giảm bớt rủi ro khi có biến động của giá dầu. Nếu đúng như ý hiểu của tôi thì đây là việc PVN cần làm cũng như phát huy công cụ của thị trường phái sinh về dầu mỏ. Bởi vì xây dựng thị trường phái sinh về dầu mỏ bản chất là giảm thiểu rủi ro cho hoạt động kinh doanh dầu thô khi có biến động của thị trường quốc tế. Vì thế, giá dầu giảm như thế này cũng là lúc chúng ta tranh thủ cơ hội để thực hiện các hợp đồng phái sinh nhằm đảm bảo những hạn chế rủi ro do giá dầu gây ra”, ông Bùi Xuân Hồi nói.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh, việc PVN xem xét phương án mua dự trữ dầu thô nhằm tranh thủ cơ hội giá dầu giảm sâu, có thể coi như chạm đáy, làm động lực tăng trưởng khi thị trường ấm trở lại cũng là một phương án rất hợp lý. Bởi chúng ta có thể tận dụng tình hình giá dầu thô đang giảm như hiện nay để mua về chế biến, khi giá dầu tăng lên thì có thể bán ra thị trường, đó cũng là cách tránh được lỗ và có thể có lãi để bù lỗ cho sản xuất.
“Tôi nghĩ đó là một phương án cần thiết vì trong tình hình càng sản xuất thì càng thua lỗ, phải hạn chế sản xuất. Khi giá thế giới thấp, nên mua để có thể dự trữ và sau này sẽ có thể chế biến sau. Nhà nước nên ủng hộ, nên cấp tín dụng và cho phép PVN thực hiện phương án đó”, TS. Lê Đăng Doanh cho hay.
Theo kế hoạch đầu năm, doanh thu và nộp ngân sách của PVN được tính toán trên cơ sở giá dầu trung bình ở mức 60 USD/thùng. Khi lượng tiêu thụ các sản phẩm lọc hóa dầu, hiệu quả khai thác dầu khí giảm mạnh, doanh thu bán dầu và nộp ngân sách Nhà nước từ dầu thô cũng sẽ giảm mạnh.
Cụ thể, nếu giá dầu ở mức 60 USD/thùng thì doanh thu bán dầu thô dự kiến đạt khoảng 4,668 tỷ USD. Nhưng nếu giá dầu xuống 30 USD/thùng thì doanh thu từ bán dầu thô chỉ còn một nửa. Nộp ngân sách Nhà nước cũng tương ứng sẽ giảm từ gần 1,6 tỷ USD xuống còn 806 triệu USD (tương ứng PVN mất 2,3 tỷ USD doanh thu và giảm gần 800 triệu USD nộp ngân sách Nhà nước). Thực tế đó đòi hỏi cần phải có những điều chỉnh mang tính chiến lược để hỗ trợ ngành Dầu khí Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trước biến động của thị trường, cần phải có những dự đoán chính xác để tránh thua lỗ. Cũng cần phải tính đến kịch bản xấu nhất như buộc phải dừng hoạt động các mỏ, nhà máy lọc dầu. Đây là tình thế bất khả kháng, nếu cần thiết vẫn phải làm.
Về góc độ xăng dầu thành phẩm, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, giá dầu thô giảm sâu nhưng giá xăng dầu thành phẩm trong nước giảm chưa tương xứng. Vì vậy, cần có các phương án tính toán để đưa giá xăng, dầu giảm sâu, tạo thuận lợi hơn cho đầu vào sản xuất và kinh doanh, vận tải của người dân.
PGS. TS Bùi Xuân Hồi nêu quan điểm, đây là thời điểm giá dầu xuống khá thấp và sẽ không thể nhanh chóng để quay trở lại giá dầu cao cho nên cần tính tới những phương án an toàn như: việc trích lập Quỹ bình ổn nên cân đối để đảm bảo giá xăng dầu trong nước cũng ở mức thấp, đó cũng là cơ hội để kích cầu để cho lượng cầu tăng trở lại./.
TIN KHÁC
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu: VCCI vạch ra nhiều bất cập(31/07/2024)
Giá xăng, dầu giảm liên tiếp chưa tác động tích cực đến doanh nghiệp(18/03/2020)