Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho hay, hiện chưa cần sửa Nghị định 83/2014/NĐ-CP về xăng dầu. Một số vấn đề mà Bộ Tài chính đưa ra hiện nay có thể điều chỉnh bằng các quy định thuộc các lĩnh vực khác nhau.
Trao đổi với phóng viênBáo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Bảo cho hay, kinh doanh xăng dầu là có điều kiện, Nghị định 83 chỉ đưa ra hành vi kinh doanh chung của xăng dầu, còn các cơ sở vật chất, điều kiện đảm bảo được kinh doanh xăng dầu còn quy định ở nhiều văn bản khác nhau.
Bởi vậy nếu Bộ Tài chính muốn quản lý thuế ở khâu bán lẻ chặt chẽ hơn thông qua việc kết nối số liệu của cửa hàng vào cục thuế thì có thể ra một văn bản hướng dẫn riêng.
Như báo Đầu tư Online đã đưa tin, lãnh đạo Bộ Tài chính đã yêu cầu các đơn vị liên quan trao đổi với Bộ Công thương để có công văn đề xuất Bộ Công thương trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP theo đúng chức năng quản lý nhà nước.
Nghị định 83/2014/NĐ-CP được ban hành hồi tháng 9/2014 và đã qua 1,5 năm áp dụng. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, hiện đang phát sinh một số vướng mắc hoặc chưa chặt chẽ trong quá trình quản lý cơ sở kinh doanh xăng dầu, như kết nối dữ liệu hoá đơn bán hàng với cơ quan thuế; quy định chính thức về tỷ giá ngoại tệ để tính các loại thuế; xác định thuế nhập khẩu trong công thức tính giá cơ sở trong bối cảnh tồn tại các loại thuế nhập khẩu khác nhau theo các hiệp định thương mại tự do được ký; kê khai giá của thương nhân đầu mối và thương nhân kinh doanh xăng dầu.
Bình luận về câu chuyện áp dụng thuế bình quân gia quyền trong công thức tính giá xăng cơ sở, ông Bảo cho hay, ưu việt và mong muốn của Nghị định 83 là giá chạy theo thị trường tức thời, vì vậy đã chuyển từ quy định chu kỳ tính giá từ bình quân 30 ngày xuống còn 15 ngày, thậm chí mong muốn tiệm cận thị trường hơn nữa với chu kỳ điều chỉnh còn từ 2-3 ngày. Bởi vậy, giải pháp lấy thuế bình quân gia quyền như cách hiện nay là lấy số liệu của quý trước áp dụng cho quý sau chỉ là giải pháp tạm thời.
Nói về câu chuyện các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu hưởng lợi 3.500 tỷ đồng do điều hành xăng dầu liên quan đến chuyện tính giá xăng dầu cơ sở dựa trên thuế ưu đãi nhập khẩu (MFN) trong khi các doanh nghiệp nhập khẩu lại tận dụng lợi thế ưu đãi thuế nhập khẩu trong ASEAN để gia tăng tối đa lợi nhuận của hoạt động kinh doanh xăng dầu, khiến cả nền kinh tế phải gánh giá xăng dầu cao, ông Bảo cũng cho rằng cần phải hiểu đúng bản chất thuế nhập khẩu xăng dầu.
“Nếu các cơ quan quản lý ấn định thuế nhập khẩu ưu đãi MFN là 20% với xăng thì cần chỉ ra rằng con số đó có hợp lý hay không? Nếu 20% là hài hòa thì đó là trách nhiệm của người tiêu dùng phải nộp thuế cho nhà nước. Còn doanh nghiệp, thông qua các Hiệp định thương mại đạt được mức thuế ưu đãi tốt hơn thì việc điều chỉnh lợi nhuận này sẽ là giữa doanh nghiệp với ngân sách nhà nước, chứ không phải là chia sẻ với khách hàng, như cách mà nhiều chuyên gia đang nhìn nhận hiện nay”, ông Bảo nói và nhấn mạnh thêm, nếu điều chỉnh mức thuế MFN này thông qua giá thì vô hình chung đã lấy ngân sách nhà nước bù cho người tiêu dùng. Khi đó lại quay trở về câu chuyện mức thuế nhập khẩu MFN 20% đang quy định đã hợp lý hay chưa.
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)