Theo PGS.TS Bùi Xuân Hồi, Mỹ có khả năng thực hiện cắt giảm sản lượng dầu mỏ nhưng liệu Mỹ có hành động hay không thì vẫn còn tranh cãi.
Vì sao là người Mỹ?
PGS.TS Bùi Xuân Hồi, giảng viên Bộ môn Kinh tế Công nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội không quá ngạc nhiên khi chuyên gia Citigroup cho rằng, Mỹ là nước duy nhất có thể thay đổi tình hình giá dầu vào lúc này. Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Xuân Hồi nhấn mạnh, đây chỉ là giả thuyết Mỹ có thể can thiệp vào thị trường dầu vào thời điểm hiện tại.
Lý giải điều này, vị chuyên gia cho rằng, sau một chu kỳ giá dầu tăng cao kéo dài, tạo động lực cho các nghiên cứu trong lĩnh vực khai thác dầu mỏ phát triển và đã làm cho lượng cung về dầu mỏ gia tăng mạnh mẽ. Một trong những thành tựu lớn nhất từ phía cung là Mỹ đã thành công với công nghệ khai thác dầu đá phiến, giúp Mỹ từ một quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc không nhỏ vào dầu thô nhập khẩu trở thành nhà sản xuất dầu mỏ số 1 thế giới vào năm 2014. So với OPEC, có thể sản lượng của Mỹ không bằng cả khối này nhưng nếu so với quy mô một nước thì Mỹ đang là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, thậm chí năm 2014 Mỹ còn vượt cả Saudi Arabia.
Hoạt động khai thác dầu khí đá phiến ở hạt Webb, bang Texas - Mỹ
"Trong tình trạng dư cung dầu mỏ như hiện nay, chuyên gia Citigroup đưa ra nhận định như trên là vì khi dư thừa dầu, để giá không xuống quá thấp, cách duy nhất là phải cắt giảm sản lượng. Vậy ai là người sẵn sàng cắt giảm và có thể làm được việc đó?
Hiện nay có 3 chủ thể thâu tóm thị trường dầu mỏ (như những nhà độc quyền nhóm - PV), đó là OPEC, Nga và Mỹ. Về mặt chiến lược, các chủ thể độc quyền nhóm sẽ không cắt giảm sản lượng dầu mỏ.
Trước hết là OPEC, đầu tháng 12/2015, với sự quyết đoán của Saudi Arabia, các nước thuộc tổ chức này đã đồng thuận áp dụng chiến lược mà họ đã đưa ra cách đây 1 năm, tức là tiếp tục duy trì thị phần của OPEC trước các đối thủ là Nga và Mỹ. Lựa chọn này gây ra tổn thất không nhỏ cho OPEC, đặc biệt là các thành viên yếu hơn như Venezuela, Algeria hay Nigeria, tuy nhiên nó vẫn là sự lựa chọn vượt trội. Đó là vì không ở đâu có chi phí khai thác dầu mỏ rẻ như ở OPEC, ngay cả khi giá dầu xuống 20 USD/thùng thì việc cung ứng dầu của OPEC vẫn sinh lời, thậm chí đối với Saudi Arabia, giá dầu có về mức 15 USD/thùng thì họ vẫn có lãi. Với sự phụ thuộc lớn vào dầu thô và chi phí khai thác thấp như thế, không lý do gì OPEC phải cắt giảm sản lượng, đặc biệt trong bối cảnh như hiện nay.
Mặt khác, việc OPEC duy trì chiến lược giá thấp bằng cách không cắt giảm sản lượng dầu sẽ tạo áp lực lớn cho đối thủ của họ - những nhà sản xuất dầu có chi phí cao. Giá dầu thấp trong thời gian ngắn thì không sao nhưng giá thấp trong thời gian dài sẽ khiến các nhà sản xuất có chi phí cao gặp vô vàn khó khăn và thậm chí là ngừng cung ứng. Khi loại bỏ được các nhà cạnh tranh khác có chi phí cao hơn ra khỏi thị trường, thị phần của OPEC ngày càng lớn lên, vai trò của tổ chức này ngày càng được củng cố. Hành vi này của OPEC không có gì mới mẻ.
Thứ hai, về phía Nga, dù muốn hay không nguồn thu ngân sách của Nga vẫn phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu dầu mỏ và Nga là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba trên thế giới sau Mỹ, Saudi Arabia. Nga cũng không có chủ trương cắt giảm sản lượng dầu mỏ, nếu không muốn nói rằng những cơ hội kinh tế khác từ Nga kém xa so với Mỹ hay các nước khác.
Nga và OPEC rất khó tìm được tiếng nói hợp tác trong việc trong cắt giảm sản lượng khi OPEC đã chính thức lên tiếng với chiến lược bảo đảm thị phần của họ. Và nếu Nga và OPEC có thỏa thuận được với nhau để cắt giảm sản lượng thì điều đó thậm chí có lợi cho các nhà sản xuất dầu mỏ của Mỹ vì với tình trạng dư thừa như hiện nay, OPEC và Nga có hợp tác và cắt giảm sản lượng thì vô hình dung họ sẽ mất thị phần vào tay Mỹ.
Còn giữa Nga và Mỹ hố sâu ngăn cách, các lệnh cấm vận, trừng phạt ngày càng nặng nề nói gì tới sự hợp tác về dầu mỏ. Nga vẫn phải bảo đảm một tỷ trọng ngân sách từ dầu mỏ nhất định và ứng phó các chiến lược từ OPEC và Mỹ, chính vì thế không có lý do gì Nga phải cắt giảm sản lượng. Trong điều kiện hiện nay, nếu Nga càng cắt giảm bao nhiêu thì người thiệt hại là Nga vì Nga cắt giảm một thì OPEC sẽ đẩy ngay sản lượng của họ vào vị trí Nga cắt giảm.
Trong bối cảnh đó, người ta kỳ vọng vào Mỹ. Mỹ đang là quốc gia sản xuất dầu mỏ số 1 thế giới và xét tổng thể nền kinh tế, Mỹ không phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ quốc tế. Thậm chí các phân tích định lượng còn chỉ ra rằng khi giá dầu xuống thấp, doanh thu dầu mỏ của Mỹ giảm nhưng bù lại làm tăng sức mua của dân Mỹ và phát triển kinh tế trong nước với chi phí năng lượng giảm và điều đó còn mang lại hiệu ứng tổng thể tích cực cho kinh tế Mỹ. Do đó, giá dầu có tăng cao hay xuống thấp thì so với các quốc gia khác, mức ảnh hưởng đối với Mỹ là không quá nhiều.
Nhìn tổng thể 3 chủ thể độc quyền nhóm của thị trường dầu mỏ thế giới như vậy thì rõ ràng Mỹ là chủ thể được kỳ vọng là có thể cắt giảm sản lượng dầu hòng cứu giá dầu khỏi chiến tranh giá. Hơn nữa, với việc chi phí khai thác dầu đá phiến vẫn khá cao, nếu Mỹ cắt giảm sản lượng và mua dầu trên thị trường thế giới với giá rẻ thì một mặt Mỹ vừa giữ được tài nguyên dầu mỏ mặt khác kinh tế Mỹ được cung ứng và dự trữ dầu mỏ từ bên ngoài với giá rẻ. Đó cũng là một lợi ích của việc Mỹ cắt giảm sản lượng, điều mà họ đã làm trong năm 2015 khi đẩy dự trữ dầu thô lên mức kỷ lục'', PGS.TS Bùi Xuân Hồi phân tích.
Mỹ khó hành động
Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Xuân Hồi cho rằng Mỹ sẽ không cắt giảm sản lượng dầu mỏ. Điều này xuất phát từ hai lý do:
Thứ nhất, nếu Mỹ cắt giảm sản lượng thì Mỹ cũng sẽ chịu thua thiệt vì trong thế thị trường dư thừa như hiện nay, Mỹ cắt giảm bao nhiêu thì lượng dầu đổ vào thị trường sẽ là bấy nhiêu do các nhà độc quyền nhóm khác tiếp tục bán ra đặc biệt là từ Nga và OPEC, lượng cung dầu vì thế không có xu hướng giảm ngay và như thế sản lượng bán giảm và giá không tăng thì người thua thiệt là Mỹ.
Thứ hai, giá dầu thấp chưa phải là điều tệ hại với kinh tế Mỹ, thậm chí nó còn làm cho GDP của Mỹ tăng lên. Mỹ là nền kinh tế lớn nhất toàn cầu và dầu là đầu vào quan trọng của tất cả các hoạt động, khi đầu vào của các ngành kinh tế giảm thì vô hình trung nó sẽ làm tăng sức mua, kích thích tiêu dùng, phát triển các ngành khác tạo sự cạnh tranh tốt cho kinh tế Mỹ và như thế thiệt hại từ giá dầu thấp ít hơn so với lợi ích có được từ nó.
''Chính vì thế, bản thân Mỹ có khả năng thực hiện việc cắt giảm sản lượng dầu nhưng quốc gia này có hành động hay không thì vẫn còn tranh cãi. Nếu Mỹ muốn cắt giảm sản lượng thì không có lý do gì ngày 18/12/2015 Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ đã tồn tại 40 năm nay, PGS.TS Bùi Xuân Hồi nhấn mạnh.
Bàn đến câu chuyện địa chính trị quanh giá dầu, về khả năng Mỹ lợi dụng giá dầu để "dìm" Nga, vị chuyên gia cho rằng, câu chuyện này sẽ còn rất phức tạp. Những hiệu ứng địa chính trị không đến trong 6 tháng hay một năm mà cần khoảng thời gian dài hơn. Nếu giá dầu sụt giảm kéo dài thì tình hình kinh tế Nga sẽ rất khó khăn, ngay cả khi Nga tiến hành tái cơ cấu kinh tế thì hiệu quả cũng không thể đến nhanh được bởi một chu kỳ kinh tế thường kéo dài từ 5 năm đến 7 năm, còn trong trường hợp này mới chỉ là khoảng thời gian rất ngắn.
"Với tình trạng thị trường hiện nay, các nhà độc quyền nhóm đang ở trong trạng thái tiến thoái lưỡng nan. Các quốc gia này đều biết, nếu họ hợp tác với nhau cùng nhau cắt giảm sản lượng giá dầu sẽ tăng trở lại và sẽ giảm thiệt hại cho họ. Nhưng cơ hội hợp tác là không có và nếu có cũng là trạng thái không bền vững vì đàm phán về phân bổ quota sản xuất là cực kỳ khó khăn (chia sẻ lợi ích là rất khó) và đặc biệt kết cấu có thể sụp đổ do sư gian lận và nghi ngờ gian lận ở phía các thành viên. Vì thế các nhà sản xuất, xuất khẩu dầu mỏ đều biết rằng, nếu cứ cạnh tranh và tiếp tục bán ra giá dầu giảm họ bị thiệt hại nặng nề, đặc biệt là một vài nước OPEC khi có tới 85% GDP đến từ xuất khẩu dầu mỏ, nhưng phi hợp tác (cách mà họ đang làm như hiện nay, tiếp tục cung ứng) lại là chiến lược vượt trội (không để người khác hành động trước, sự gian lận từ việc hợp tác).
Cụ thể, để cứu giá dầu cần có sự cam kết giảm sản lượng giữa các chủ thể. Nhưng điều đó ngay cả trong OPEC đã khó chứ đừng nói OPEC, Nga, Mỹ sẽ hợp tác với nhau cắt giảm, ai sẽ giảm và giảm bao nhiêu, liệu có thương thảo được?
Và ngay cả khi nhưng chủ thể này đồng thuận và phân chia được quota cung ứng mà ở đây là cam kết với nhau cắt giảm sản lượng dầu mỏ, trong khi Nga-Mỹ nghiêm túc thực hiện việc cắt giảm thì OPEC gian lận và cứ tuồn dầu ra bán ở chợ đen thì kết quả thị trường vẫn dư thừa và hai chủ thể độc quyền nhóm nói trên bị thiệt hại vô cùng lớn khi sản lượng vừa ít, giá vừa xuống thấp. Bởi vậy các nước này cũng sợ hành động đâm sau lưng nên mặc dù biết giá thấp sẽ thiệt hại nhưng không ai muốn hợp tác", PGS.TS Bùi Xuân Hồi chỉ rõ.
Dự báo về giá dầu trong năm 2016, PGS.TS Bùi Xuân Hồi cho rằng, năm nay, trừ những trường hợp có tính chất dao động tức thời, còn lại giá dầu đi vào chu kỳ giá thấp mà chu kỳ giá không thể kéo dài 6 tháng hay 1 năm mà phải từ 10-15 năm. Vì thế cuộc chơi giá dầu có thể rất dai dẳng và OPEC sẵn sàng đeo đuổi chiến lược này vì họ nắm ưu thế chi phí khai thác thấp, liệu các công ty dầu lửa Mỹ có chi phí cao cầm cự được đến bao giờ? Chưa kể dầu là tài nguyên không năng tái sinh, giá thấp thì về nguyên tắc, để bảo vệ tài nguyên, họ có thể nhập khẩu dầu giá rẻ để tiêu dùng mà không việc gì phải khai thác. Mỹ có thể cắt giảm sản lượng nhưng nếu có thì chắc chắn đó là những bước đi, những toan tính chiến lược để đảm bảo lợi ích kinh tế tổng thể của nước Mỹ chứ không phải họ ra tay cứu vớt thị trường dầu mỏ thế giới khỏi chiến tranh giá.
"Mỹ sẽ phải cân đo hai câu chuyện: hoặc cứu các công ty dầu lửa đang rơi vào tình trạng nguy ngập vì giá dầu thấp (phải cắt giảm sản lượng, đóng cửa các mỏ chi phí cao, hủy bỏ các dự án, cắt giảm lương, nhân sự với số lượng lớn...) hay phát triển kinh tế với chi phí thấp, để từ đó có hành động trên thị trường dầu mỏ là cắt giảm hay tiếp tục cung ứng chứ không có chuyện Mỹ cắt giảm sản lượng là vì họ giải cứu ai đó trên thị trường dầu mỏ thế giới đang đối mặt với nguy cơ chiến tranh giá", PGS Bùi Xuân Hồi lưu ý.
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)