Thông tư mới về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu, cột đo xăng ở các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải gắn thiết bị in chứng từ bán hàng để cấp cho khách hàng.
Ngay chính người tiêu dùng cũng chưa mặn mà với việc sẽ được nhận hóa đơn mua xăng. Ảnh: Hồng Vĩnh
“Quy định này là để bảo vệ quyền lợi của chính khách hàng và kiểm soát tổng đầu ra”, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Trần Văn Vinh cho biết.
Tăng mức bảo vệ người tiêu dùng
Theo quy định tại Thông tư 15, việc in chứng từ mua bán cho mọi khách hàng là bắt buộc. Chứng từ phải bao gồm tên cơ sở bán xăng, địa chỉ; cột, ký hiệu, số Serial của cột đo xăng; phút, giờ, ngày, tháng, năm bán hàng và loại xăng dầu, số lượng, đơn giá, tổng số tiền đã bán.
Theo ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH&CN, ở đa số các nước trên thế giới, việc in và cung cấp chứng từ bán lẻ xăng dầu cho khách hàng là rất thông dụng, phổ biến, phù hợp với thông lệ quốc tế. Với Việt Nam, đây là quy định mới, cần thời gian triển khai, nên riêng điều này sẽ có hiệu lực từ 1/7/2018.
Cũng theo ông Vinh, đây còn là biện pháp để ngăn chặn hành vi gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu. Ông Vinh lý giải, thông qua việc kiểm tra, đối chiếu số lượng nhập đầu vào và đầu xuất tại cửa hàng, doanh nghiệp, cơ quan quản lý có thể xác định có hay không tình trạng mua thêm xăng dầu trôi nổi, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng để bán cho người tiêu dùng. Quy định này cũng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua việc người mua hàng sử dụng các chứng từ bán hàng này để tố cáo hành vi vi phạm, yêu cầu bồi thường thiệt hại do việc bán thiếu xăng dầu. Trước đây có nhiều trường hợp người dân tố cáo cây xăng gian lận nhưng do không có chứng từ nên không thể đối chiếu, xác minh được. “Có thể nói quy định như trên là phù hợp với mong muốn của người tiêu dùng, với lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu làm ăn nghiêm túc, phù hợp với pháp luật Việt Nam đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế”, ông Vinh nói.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cũng cho biết, một số doanh nghiệp đang thực hiện vận chuyển, kinh doanh xăng dầu có những phản ứng với quy định này. Tuy nhiên, việc này bắt buộc phải thực hiện để tránh việc nhập lậu, gian lận trong kinh doanh xăng dầu, đảm bảo chất lượng xăng dầu và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo ông Tạc, với một nền thương mại sòng phẳng và hiện đại, việc xuất hóa đơn là đương nhiên. Không có một nước hiện đại nào mà khi bán hàng lại không xuất hóa đơn.
Khó khả thi?
Trước quy định xuất chứng từ khi bán lẻ xăng, nhiều người bày tỏ lo ngại, việc in chứng từ sẽ gây phiền hà cho người dùng. Anh Lê Thành Hưng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng mặc dù quy định này sẽ giúp thị trường xăng dầu cạnh tranh công bằng tránh hiện tượng bán hàng lậu cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp làm ăn chân chính nhưng sẽ khó khả thi trên thực tế. “Đa phần khách đi xe máy sẽ vứt chứng từ lại cây xăng gây mất vệ sinh”.
Chen chúc mua xăng tại một cây xăng ở Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh
Chủ nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu cũng bày tỏ băn khoăn với quy định này. Ông Nguyễn Văn Tiu, Tổng giám đốc công ty cổ phần xăng dầu Tự Lực 1 cho rằng, ở các nước văn minh, quy định này phù hợp vì khách hàng đi ô tô, lượng mua hàng lớn. Việt Nam, khách hàng xe máy thường mua 50-70 nghìn đồng nên chủ yếu quan sát trên đồng hồ chứ ít để ít đến chứng từ. Nếu mất thời gian xuất chứng từ mà người mua không quan tâm, vứt lại thì quy định này vừa mang tính hình thức, vừa gây phiền hà lại mất vệ sinh môi trường, thuận lợi cho cơ quan quản lý Nhà nước hơn là người dân.
Chủ một cây xăng trên đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội cho hay. Đơn vị này đã thực hiện in chứng từ cho khách hàng mua xăng bằng thẻ ngân hàng. Tuy nhiên nhiều người mua sau khi quẹt thẻ cũng không quan tâm đến chứng từ mà bỏ lại ngay ở cây xăng.
Trước lo ngại trên, ông Trần Văn Vinh cho biết, trong quá trình soạn thảo, trình ban hành Thông tư 15, có một vài doanh nghiệp phản ảnh việc in và cung cấp chứng từ bán hàng cho khách hàng có thể gây chậm trễ, ách tắc trong kinh doanh bán lẻ trong các giờ cao điểm tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Về việc này, Tổng cục cũng nhận được các ý kiến khác cho rằng có nhiều giải pháp kỹ thuật để khắc phục.
“Mục tiêu quan trọng nhất của quy định này là để bảo vệ quyền lợi của chính khách hàng và kiểm soát tổng đầu ra. Vì vậy, khách hàng cần quan tâm, thực hiện quyền lợi chính đáng của mình qua việc yêu cầu cung cấp và kiểm tra chứng từ bán hàng, không nên bỏ bừa bãi ngay tại cửa hàng gây mất mỹ quan”. Ông Trần Văn Vinh, |
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)