Bên hành lang Quốc Hội, ngày 27/10, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đã trao đổi với báo chí về việc điều hành giá xăng dầu.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, nền kinh tế nước ta còn đang rất khó khăn. Nếu giá xăng, dầu (là giá đầu vào của rất nhiều hoạt động kinh tế - xã hội) cao sẽ tác động đến các lĩnh vực khác. Do đó, việc đề xuất có biện pháp để kiềm chế giá xăng, dầu không tăng lên quá cao là cần thiết.
Đại biểu cũng nêu cụ thể, để điều chỉnh giá xăng, dầu phải sử dụng công cụ thuế. Trong bối cảnh giá tăng thì cần phải điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu hoặc thậm chí thuế về môi trường cũng tạm thời duy trì ở mức hợp lý.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)
Cũng theo đại biểu Hoàng Văn Cường, giá xăng, dầu trong nước tăng một phần là do tác động của giá dầu thế giới. Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua, chi phí của quá trình vận chuyển đã bị đội lên. Mặt khác, các chi phí liên quan như chi phí kho bãi, kiểm soát… cộng vào làm cho giá xăng, dầu trong nước đội cao hơn. “Chúng ta phải xem lại những khoản gì làm cho giá xăng dầu đội lên như thuế nhập khẩu, các khoản phí về kiểm soát. Những khoản đó chúng ta có thể phải rà soát lại và phải cắt giảm để có thể ổn định được giá xăng dầu"- đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, Bộ Công Thương phải đánh giá được mức độ thay đổi của giá thế giới với khả năng cung ứng trong nước. Từ đó sẽ dự báo được mức độ ảnh hưởng có thể gia tăng. Về phía Bộ Tài chính là đơn vị thực thi các chính sách, có lộ trình thay đổi về thuế, thay đổi, điều chỉnh về phí như thế nào, đây là vấn đề mà Bộ sẽ phải thẩm tra và đánh giá để báo cáo Chính phủ.
Liên quan đến mặt hàng xăng dầu, theo Bộ Công Thương, hiện tình hình dịch bệnh mặc dù được kiểm soát nhưng vẫn còn có diễn biến phức tạp ở một số địa phương. Để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, cơ quan điều hành giá đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ Bình ổn giá (BOG) ở mức cao. Từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ BOG đã chi liên tục với mức chi từ 100-2.000 đồng/lít/kg. Theo Bộ Công Thương, kỳ điều hành ngày 26-10, nếu không thực hiện tăng chi Quỹ Bình ổn giá đối với xăng E5RON92 và xăng RON95, giá các mặt hàng xăng sẽ tăng từ 1.859 đồng/lít đến 2.527 đồng/lít.
Trước đó, Bộ Công Thương cũng cho rằng, mức thuế, phí đang chiếm tỉ trọng rất cao trong cơ cấu giá thành sản phẩm xăng dầu. Trong đó các loại thuế, phí chiếm 42-43% trong cơ cấu giá thành mặt hàng xăng và tỉ lệ này với mặt hàng dầu là 24-30%. Vì vậy ngoài việc sử dụng hiệu quả linh hoạt quỹ BOG, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ, kiến nghị một số giải pháp, trong đó có đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét cân nhắc giảm thuế, phí như thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và nhất là thuế bảo vệ môi trường.
Tại thời điềm này Bộ Công Thương vẫn luôn bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và phối hợp với Bộ Tài chính phát huy hiệu quả của Quỹ BOG xăng dầu. Bộ Công Thương cũng chia sẻ với khó khăn doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, cũng như người dân tiêu dùng. Theo đó, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính cũng như các cơ quan, đơn vị liên quan để điều hành giá xăng dầu phục vụ tốt nhất cho nền kinh tế, bảo đảm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)