Theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg, từ ngày 1-6 tới đây, tất cả các điểm kinh doanh xăng dầu tại 8 tỉnh, thành phố lớn sẽ bán xăng sinh học (E5) song song với xăng RON 92. Tuy nhiên đến thời điểm này, việc triển khai bán loại xăng thân thiện với môi trường này còn nhiều khó khăn.
Hiện rất ít cây xăng tại Hà Nội bán xăng E5
Khó tìm xăng E5
Theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg, 8 tỉnh, thành phố sẽ triển khai bán xăng E5 đại trà tại 100% cửa hàng từ 1-6 gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu và TP.HCM. Khá tích cực trong việc triển khai nhưng khi chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa sẽ đến thời điểm bán đại trà, số cửa hàng xăng dầu bán xăng E5 tại Hà Nội vẫn rất thưa thớt.
Đơn cử, tuyến đường Quang Trung - Nguyễn Trãi - Tây Sơn, không có bất kỳ cây xăng nào bán xăng E5. Tuyến đường Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ cũng trong tình trạng như vậy. Số cửa hàng xăng dầu kinh doanh xăng E5 ở trung tâm thành phố chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thực tế trên báo hiệu, việc triển khai xăng E5 tại 100% cây xăng trên địa bàn từ 1-6 rất khó thực hiện.
Từng triển khai bán xăng E5 tại 50% số cửa hàng trực thuộc, nhưng đến nay, Tổng Công ty CP xăng dầu Tự Lực I lại chuyển từ xăng E5 sang xăng RON 92. Ông Nguyễn Văn Tiu - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP xăng dầu Tự Lực I cho biết: “Lượng bán xăng E5 chỉ bằng 10% xăng khoáng nên chúng tôi chuyển về bán xăng truyền thống. Kinh doanh xăng E5 không hiệu quả, nguồn cung lại không ổn định”.
Đại diện một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn cho biết, 72% cửa hàng xăng dầu trực thuộc doanh nghiệp đã triển khai bán xăng E5. Lượng E5 bán ra chiếm khoảng 30% tổng lượng hàng bán lẻ. “Đây là tỷ lệ khá lớn vì ở một số địa phương, lượng tiêu thụ E5 chỉ chiếm khoảng 6%. Tôi quan sát thấy hiện nay, người tiêu dùng Hà Nội không còn để ý xăng E5 hay RON 92 khi mua nữa nhưng vấn đề quan trọng là doanh nghiệp kinh doanh xăng E5 không hiệu quả, nguồn cung phập phù, sợ không đủ xăng bán”- vị đại diện này cho hay.
Doanh nghiệp khó yên tâm
Khác với nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, “sinh sau đẻ muộn” thường được ưa chuộng, tin dùng, thì với xăng E5, đường đến với người mua lại khá gập ghềnh. Khi vừa mới ra đời, loại xăng thân thiện với môi trường này bị cho là nguyên nhân gây ra hàng loạt vụ cháy xe. Chưa yên tâm về chất lượng, người tiêu dùng không mặn mà đón nhận xăng E5. Khi đó, để mở rộng phân phối xăng E5, nhiều vùng trồng nguyên liệu và nhà máy chế biến cồn E100 để phối trộn xăng E5 đã được hình thành.
Tuy nhiên, thị trường không có, vùng nguyên liệu bị phá bỏ, nhà máy chế biến cồn đóng cửa và tạm ngưng hoạt động. Đến nay, khi người tiêu dùng bớt mặc cảm với xăng E5, theo kế hoạch phải đưa vào bán đại trà thì nguồn cung xăng lại thiếu hụt nghiêm trọng. Muốn có vùng nguyên liệu và nhà máy hoạt động trở lại, không những cần có vốn đầu tư mà còn đòi hỏi cả thời gian.
Đại diện một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho biết, doanh nghiệp có một trạm phối trộn E5 nhưng hiện tại, nguồn cung cồn để phối trộn không đủ. “7/8 nhà máy sản xuất cồn đã tạm ngừng hoạt động hoặc đóng cửa, chỉ còn duy nhất Công ty TNHH Tùng Lâm (Đồng Nai) còn sản xuất, nhưng họ không chỉ cung cấp cho phối trộn xăng, mà còn cung cấp cho sản xuất thực phẩm, y tế, công nghiệp. Nếu 20 cây xăng còn lại của chúng tôi đồng loạt bán thêm E5 thì nguồn cung không đủ. Nguồn cung ở xa, rất dễ đứt đoạn, doanh nghiệp không thể yên tâm. Không có đầu vào thì lấy gì để bán ra?”- vị này nói.
Không dừng lại ở đó, việc triển khai bán xăng E5 ở thời điểm hiện tại cũng chưa mang lại hiệu quả đối với doanh nghiệp. Giá xăng khoáng RON 92 hiện đang rẻ hơn giá cồn nên lãi gộp của doanh nghiệp khi kinh doanh xăng E5 thấp hơn đáng kể xăng khoáng. “Xăng E5 đòi hỏi bồn chứa phải súc rửa kỹ hơn, công nghệ cao hơn, tuyệt đối không thể dính một giọt nước nên chi phí kinh doanh cao hơn. Trong khi đó, hiệu quả lại thấp hơn nên doanh nghiệp không mặn mà. Chúng tôi đã có kiến nghị để có giải pháp cho vấn đề này”- vị đại diện doanh nghiệp nói.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Tiu tính toán, giá sản xuất cồn ethanol hiện nay đang là 15.000 đồng/lít. Nếu tính cả chi phí vận chuyển từ miền Nam ra thì giá mỗi lít cồn lên đến 17.000 đồng nên không thể cạnh tranh được với xăng RON 92. Thời gian nửa tháng chắc chắn không đủ để khắc phục các khó khăn nêu trên nên việc đưa xăng E5 vào bán đại trà tại 100% cửa hàng xăng dầu ở 8 tỉnh, thành phố theo kế hoạch đã được phê duyệt gần như không khả thi. Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng, triển khai bán xăng E5 đứng trước nguy cơ “vỡ kế hoạch”.
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)