Thuế nhập khẩu giảm khiến nguồn thu ngân sách giảm, Bộ Tài chính muốn tăng nguồn thu thuế nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, trong khi hiện nhiều nước đã bỏ loại thuế này, ông Ngô Trí Long cho biết.
“Gánh nặng” thuế phí
Giá xăng trong kỳ điều hành ngày 19/8 vừa qua tăng mạnh 675 đồng/lít đối với xăng RON 92, tăng 975 đồng/lít đối với xăng sinh học E5. Theo lý giải của Liên Bộ Công Thương – Tài chính giá xăng tăng trở lại do giá xăng thành phẩm thế giới biến động mạnh.
Tuy nhiên, cũng trong kỳ điều hành lần này, giá xăng cũng chịu tác động mạnh từ việc thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định mới trong Nghị định 100 có hiệu lực từ ngày 1/7 vừa qua. Nghị định 100 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo.
Với việc áp dụng Nghị định 100/2016/NĐ-CP, thay vì tính thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng với mặt hàng xăng là bằng 10% tổng giá nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được tính dựa trên giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra.
Theo tính toán của một chuyên gia, việc áp dụng cách tính mới này, dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế, khiến giá xăng hiện tại bị tăng so với giá xăng theo cách tính cũ từ 100-200 đồng/lít, điều này ảnh hưởng đến người tiêu dùng và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, lâu nay Bộ Tài chính vẫn cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt là đánh vào người tiêu dùng nên làm căn cứ giá tính thuế phải là giá bán vì thế đợt điều chỉnh giá xăng vừa rồi, khi áp dụng cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo Nghị định 100 đã đẩy giá xăng tăng lên.
“Hiện thu thuế trong tất cả sản phẩm xăng là nguồn thu thuế lớn, thuế nhập khẩu giảm, nên để đảm bảo nguồn thu thì phải tăng nguồn thu khác. Ở các nước, khi muốn tăng thu có thể tăng thuế bảo vệ môi trường, nhưng mức thuế này ở Việt Nam đã tăng khá mạnh từ 1.000 đồng một lít lên 3.000 đồng/lít từ giữa năm 2015 đã khiến mỗi lít xăng chịu áp lực thuế, phí lớn… Do đó, dư địa tăng thuế này gần như không còn, buộc nhà điều hành phải tìm tới phương án tăng các loại thuế khác, như thuế tiêu thụ đặc biệt”, ông Long phân tích.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng chia sẻ quan điểm phải xem xét lại có nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng hay không.
“Chỉ những mặt hàng hạn chế tiêu dùng mới nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong lúc phải kích thích tiêu dùng, sản xuất đáng lý phải hạn chế thuế, phí nhưng chúng ta lại ngược lại, thuế, phí đang là gánh nặng”, ông Long nhấn mạnh.
Cũng theo ông Long, với mức chênh lệch từ 100-200 đồng/lít do cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới không chỉ người dân và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải chịu. “Một năm tiêu thụ 12 triệu tấn xăng dầu (mỗi tấn xăng dầu 1.270 lít) mức thuế phải chịu là rất lớn. Cơ quan chức năng cần phải xem xét lại đã hợp lý hay chưa”, ông Long kết luận.
Cách tính thuế xăng dầu liên tục bị “tố” bất cập
Hiện mỗi lít xăng đang “gánh” các loại thuế thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng bên cạnh 2 khoản chi phí định mức và lợi nhuận định mức… chiếm khoảng gần một nửa giá bán lẻ xăng. Thậm chí, một khoản khác là mức trích quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng được tính vào giá cơ sở.
Các khoản thuế kể trên như thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, lợi nhuận định mức và quỹ bình ổn giá là những khoản từng gây bức xúc trong dư luận.
Cụ thể, khoản thuế nhập khẩu đã được xác định lại thay vì xác định thuế nhập khẩu xăng dầu trong tính giá cơ sở theo nhập khẩu ưu đãi (MFN) bằng phương pháp tính theo mức bình quân gia quyền của các biểu thuế (MFN và FTA) sau một thời gian dài người tiêu dùng trong nước phải chịu mức thuế cao.
Tuy nhiên, cách tính này, theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, việc Bộ Tài chính áp mức nhập khẩu bình quân gia quyền đã khiến mức chênh lệch thuế nhập khẩu vẫn còn lớn, làm cho giá cơ sở ở mức cao, kéo theo giá bán lẻ cũng ở mức cao, không có lợi cho người tiêu dùng. Bất cập này không được xử lý gây bức xúc cho dư luận xã hội.
Thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít được áp dụng từ 1/5/2015 đúng thời điểm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng giảm từ 35% xuống còn 20%, thay vì tính giá xăng dầu ở 2 thời điểm trên cơ sở mức thuế bảo vệ môi trường là mức cũ và mức mới để so sánh Bộ Tài chính lại quy tất cả các phép tính trên cơ sở mức thuế bảo vệ môi trường mới để “qua mắt” người tiêu dùng và khẳng định, tăng thuế bảo vệ môi trường không làm tăng giá xăng.
Về mức lợi nhuận định mức, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) từng cho biết, mức 300 đồng/lít là mức lợi nhuận giúp doanh nghiệp duy trì hệ thống, ổn định kinh doanh và tạo lập thị trường.
Trong khi đó, ý kiến của một số chuyên gia kinh tế cho biết, lợi nhuận định mức 300 đồng/lít được tính vào giá xăng là ưu ái phi lý mà không ngành nào được hưởng.
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)