Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/08, giá dầu đóng cửa với mức giá cao nhất trong vòng hơn 1 tuần qua. Lo ngại về tác động tiềm ẩn đối với nguồn cung tại vùng vịnh Mexico khi cơn bão Idalia tấn công Florida trong tuần này đã hỗ trợ cho giá dầu. Ngoài ra, đồng USD suy yếu sau báo cáo việc làm của Mỹ cũng đã góp phần thúc đẩy lực mua.
Giá dầu WTI tăng 1,32% lên 81,16 USD/thùng. Dầu Brent chốt phiên sát mốc 82 USD/thùng sau khi tăng 1,24% trong phiên hôm qua.
Bão Idalia được dự báo sẽ đạt cấp độ 3, được phân loại là bão lớn, với sức gió duy trì tối đa ít nhất là 111 dặm/giờ (179 km/giờ) trước khi đổ bộ vào Bờ Vịnh Florida vào ngày 30/08. Nhà phân tích Robert Yawger của Ngân hàng Mizuho cho biết cơn bão có thể sẽ ảnh hưởng đến hệ thống phân phối nhiên liệu và mức tiêu thụ nhiên liệu ở các khu vực bị ảnh hưởng.
Mặc dù sẽ không tác động trực tiếp đến các giàn sản xuất dầu lớn ở Vịnh Mexico, nhưng nguy cơ mất điện trong tương lai ngày càng tăng có thể khiến nguồn cung ứng tạm thời gián đoạn. Điều này đã thúc đẩy lực mua trên thị trường trong phiên hôm qua.
Trong khi đó, nguồn cung dầu tại Mỹ cũng đang có tín hiệu thắt chặt trong tuần kết thúc ngày 25/08. Cụ thể, báo cáo của Viện dầu khí Mỹ (API) rạng sáng nay theo giờ Việt Nam cho thấy tồn kho dầu thương mại bất ngờ giảm mạnh 11,5 triệu thùng trong tuần trước, đánh bại dự báo giảm 3,3 triệu thùng của giới phân tích. Đây là tuần giảm thứ 3 liên tiếp. Giá dầu ngay lập tức bật tăng mạnh mẽ sau dữ liệu trên.
Bên cạnh yếu tố cung cầu, giá dầu cũng biến động mạnh trong phiên hôm qua dưới tác động kinh tế vĩ mô. Đồng USD giảm giá ngay sau báo cáo việc làm tháng 7 của Mỹ đã hỗ trợ giá dầu do chi phí giao dịch bớt đắt đỏ hơn.
Dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết số lượng cơ hội việc làm mới của quốc gia này giảm mạnh 638.000 xuống còn 8,827 triệu trong tháng 07/2023, ghi nhận mức thấp nhất trong gần 2,5 năm trở lại đây. Con số này thấp hơn nhiều so với dự báo 9,465 triệu việc làm. Thị trường lao động hạ nhiệt làm gia tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm dừng đà tăng lãi suất.
Công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch của CME Group cho thấy có khoảng 89% ý kiến rằng Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp giữa tháng 9 sắp tới. Tỷ lệ này tăng so với khoảng 78% trước khi dữ liệu công bố. Kỳ vọng này đã kéo đồng USD suy yếu và hỗ trợ giá dầu trong phiên.
Ngoài ra, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới, Trung Quốc đang có những động thái kích thích kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng yếu. Lực mua đối với dầu thô cũng được thúc đẩy một phần trước thông tin này.
Theo Bloomberg, các ngân hàng cho vay lớn thuộc sở hữu Nhà nước Trung Quốc đang giảm lãi suất đối với phần lớn trong số 38,6 nghìn tỷ Nhân dân tệ (5,3 nghìn tỷ USD) dư nợ của quốc gia này. Hành động này nhằm nỗ lực thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng và giảm bớt áp lực lên tỷ suất lợi nhuận của người cho vay.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Biểu đồ khung H4 cho thấy giá dầu WTI phá vỡ đường xu hướng giảm ngắn hạn. Giá rút chân khi chạm đường trendline hỗ trợ mới, di chuyển nửa trên của dải Bollinger Band đang hướng lên, và bên trên đường EMA50. Giá dầu cũng đã phá vỡ vùng kháng cự 80,7 USD nhằm hướng tới mục tiêu mới là vùng kháng cự 81,5 – 81,6 USD. Hiện tại đang dao động sát vùng kháng cự này.
Giá dầu có thể sẽ gặp lực cản ở vùng giá này khi đây là vùng kháng cự khá mạnh, đẩy giá kiểm tra lại vùng hỗ trợ 80,5 – 80,8 USD, trước khi tăng trở lại. Dự báo giá sẽ di chuyển thận trọng trong khoảng 80,7 – 81,7 USD trước thời điểm báo cáo tồn kho của Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) vào tối nay.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)