Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/04, sắc xanh quay trở lại thị trường dầu sau khi chạm mức thấp nhất trong 1 tháng. Tuy nhiên, lực mua và bán tương đối cân bằng khiến giá dầu chỉ tăng nhẹ, với dầu WTI tăng 0,62% lên 74,76 USD/thùng và dầu Brent tăng 0,64% lên 78,22 USD/thùng.
Giai đoạn báo cáo kết quả kinh doanh quý của các công ty trên phố Wall cho thấy một số tín hiệu tương đối tích cực, thúc đẩy dòng tiền quay trở lại thị trường rủi ro, bao gồm dầu thô. Cho đến nay, 235 công ty trong S&P 500 đã báo cáo thu nhập, theo dữ liệu của FactSet. Tính cả kết quả thực tế và dự báo của nhà phân tích đối với các công ty chưa báo cáo, kết quả kinh doanh quý đầu tiên dự kiến sẽ giảm 4,2% so với quý trước, thấp hơn mức mà các nhà phân tích lo ngại.
Tâm lý của nhà đầu tư được cải thiện ngay cả khi một vài dữ liệu tại 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới không mấy tích cực.
Lợi nhuận công nghiệp trong quý I tại Trung Quốc đã giảm tới 21,4% so với cùng kỳ năm 2022, giảm mạnh hơn nhiều so với mức giảm 12% mà giới phân tích dự báo, dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS). Điều này cho thấy tình hình sản xuất vẫn còn nhiều trở ngại, với thực trạng giảm phát trong sản xuất và niềm tin tiêu dùng phục hồi chậm hơn dự kiến.
Trong khi đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thước đo của tất cả hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong Quý I/2023 của Mỹ đã tăng 1,1% so với quý trước, thấp hơn nhiều so với dự đoán mức tăng trưởng 2%, theo Bộ Thương mại Mỹ.
Lo ngại nền kinh tế chịu nhiều sức ép ảnh hưởng tới năng lực tiêu thụ dầu, đã cản trở đà phục hồi của giá dầu, khiến giá liên tục giằng co trong biên độ hẹp trong phiên.
Về mặt cung – cầu, Phó thủ tướng Nga, Alexander Novak, cho biết sản lượng dầu và khí ngưng tụ của quốc gia sẽ giảm 20 triệu tấn trong năm nay xuống mức 515 triệu tấn. Tuy nhiên, bất chấp những biện pháp trừng phạt của phương Tây, xuất khẩu của Nga trong năm 2022 vẫn tăng 7% so với một năm trước đó.
Phó Thủ tướng cũng cho biết OPEC+ không cần phải cắt giảm thêm sản lượng dầu, nhưng luôn có thể điều chỉnh chính sách phù hợp.
Đóng góp vào đà phục hồi hồi của giá dầu phiên ngày 27/04, các thượng nghị sĩ Mỹ đã thúc giục Tổng thống Joe Biden cho phép một cơ quan chính phủ liên bang tịch thu các chuyến hàng dầu và khí đốt của Iran. Điều này xuất phát từ việc xuất khẩu dầu của Iran đã đạt mức cao nhất kể từ khi Mỹ áp đặt lại các lệnh trừng phạt vào năm 2018. Iran đã xuất khẩu nhiều hơn 83 triệu thùng dầu trong năm 2022 so với năm 2021, theo Bộ trưởng dầu mỏ của nước này cho biết.
Ngày hôm nay, dữ liệu lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 3 sẽ được công bố. Đây cũng là dữ liệu quan trọng nhằm đánh giá kế hoạch thắt chặt tiền tệ của Fed, nhất là khi cuộc họp đầu tháng 5 đang đến gần. Giá dầu sẽ phản ứng mạnh hơn với thông tin này.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Giá dầu WTI thất bại trong việc phá hỗ trợ 74 USD/thùng. RSI trên khung H4 vẫn đang ở vùng quá bán và giá nhiều khả năng sẽ tiếp tục có nhịp hồi kỹ thuật lên cạnh giữa của dải Bollinger Band. Dự báo giá dầu sẽ hồi lên vùng trước “lấp gap” ở vùng 76 USD. Các nhà đầu tư có thể mua tại 74,5 USD với kỳ vọng chốt lời ở 75,5 – 75,8 USD, cắt lỗ 73,8 USD. Hoặc để tránh rủi ro giao dịch ngược xu hướng và nhà đầu tư muốn nắm giữ vị thế dài hơn, có thể đợi giá hồi lên vùng 75,8 – 76,2 USD và mở bán với kỳ vọng chốt lời tại 73,2 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)
Giá dầu giảm 3 ngày liên tiếp(23/05/2024)