Thị trường dầu thô duy trì sắc đỏ trước các áp lực đến từ nỗ lực hạ nhiệt giá năng lượng của các nền kinh tế lớn và những lo ngại suy thoái kinh tế. Kết thúc tuần 20/06 – 26/06, hợp đồng dầu thô WTI tháng 8 giảm nhẹ 0,34% về 107,62 USD/thùng, hợp đồng dầu thô Brent cùng kỳ hạn đóng cửa tuần không đổi so với giá tham chiếu của tuần trước, vẫn dừng chân ở mức 113,12 USD/thùng.
Sự quyết tâm của các nhà chức trách trong việc kiểm soát chi phí hàng hóa đang là sức ép lớn nhất đối với thị trường dầu. Hiện nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đều sẵn sàng mạnh tay tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, bất chấp việc khiến cho nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào tình trạng suy thoái.
Mức thay đổi theo tuần không đáng kể có phần phản ánh chưa toàn diện sự biến động mạnh mẽ của thị trường dầu thô trong tuần vừa qua, khi đã có lúc giá dầu WTI giảm về dưới 102 USD, còn giá dầu Brent giảm về dưới 108 USD.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng đã đề xuất Mỹ và các nước đồng minh sẽ áp một mức giá trần đối với dầu thô của Nga, để hạn chế ngân sách của quốc gia này trong cuộc xung đột với Ukraine. Ngoài ra, chính sách này cũng được kỳ vọng sẽ giúp cho dầu của Nga có thể tiếp cận với nhiều người mua hơn, giảm bớt áp lực từ việc thiếu hụt nguồn cung dầu thô và góp phần kìm hãm việc giá năng lượng gia tăng.
Trong hôm qua, 26/06, Hội nghị thượng đỉnh G7 (nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu thế giới gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Italia và Nhật Bản) đã khai mạc tại Đức, và các nhà chức trách cũng sẽ thảo luận để tìm cách giải quyết các vấn đề lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế trên toàn cầu, trong đó cũng sẽ có nội dung áp giá trần đối với dầu thô của Nga.
Tuy nhiên, những chính sách này thường mất nhiều thời gian để đàm phán cũng như có hiệu lực, nên hiện nay giá dầu vẫn nhận được sự hỗ trợ nhất định từ những lo ngại về nguồn cung trong ngắn hạn. Theo hãng tin dịch vụ dầu khí Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu khí trong tuần vừa qua tăng 13 lên 753 giàn. Đây là mức tăng lớn nhất trong vòng một tháng, tuy nhiên số lượng giàn khoan hiện nay vẫn chưa quay trở lại mức cũ trước đại dịch.
Sự thiếu hụt năng lực xử lý dầu cũng là yếu tố khiến cho vấn đề nguồn cung của ngành dầu mỏ khó được giải quyết. Vì thế, ngay cả khi giá dầu thô thế giới sụt giảm mạnh, giá bán lẻ đối với các sản phẩm như xăng hay dầu diesel vẫn khó có thể điều chỉnh giảm nhanh chóng. Tại Mỹ, giá xăng chỉ thấp hơn vài cents so với kỷ lục hơn 5 USD/gallon được thiết lập vào đầu tháng này. Còn tại,Vương quốc Anh, giá xăng thiết lập kỷ lục mới và khiến chon nhu cầu tiêu thụ có dấu hiệu chững lại. Tại Singapore, giá đang dao động gần mức cao nhất từ trước đến nay.
Những thông tin bất lợi cho giá dầu có phần lấn át hơn bài toán về nguồn cung, nên giá dầu dù tăng mạnh trong phiên cuối tuần nhưng cũng không thể lấy lại toàn bộ đà giảm trước đó. Thị trường có thể còn đối mặt với nhiều sức ép bán hơn, khi người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu – Josep Borrell đến Tehran để nối lại cuộc đàm phán hạt nhân đang rơi vào bế tắc giữa Mỹ và Iran.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Giá dầu vẫn nằm trên cạnh dưới của Bollinger Band. Các chỉ số RSI và MACD cho thấy lực bán vẫn đang rất áp đảo. Các tin tức tích cực có thể chỉ hỗ trợ giá test lại khu vực kháng cự cũ 108 – 109 USD, nhưng khó có thể giúp giá vượt qua. Các nhà đầu tư có thể mở vị thế bán từ 108 USD với kỳ vọng chốt lời tại mức 105 USD. Cắt lỗ 109 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)
Giá dầu giảm 3 ngày liên tiếp(23/05/2024)