Kết thúc ngày giao dịch 26/3, giá dầu thế giới giảm nhẹ trở lại do sức ép vĩ mô ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ vẫn là rủi ro đáng chú ý, bất chấp tín hiệu nguồn cung thắt chặt. Chốt phiên, giá dầu WTI đánh mất 0,4% giá trị xuống còn 81,62 USD/thùng. Dầu Brent giảm 0,52% xuống 85,63 USD/thùng.
Các nhà đầu tư cho thấy sự không chắc chắn về kịch bản của nền kinh tế Mỹ trong tươg lai. Điều này thể hiện qua chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Mỹ do Conference Board khảo sát, đã đạt 104,7 điểm trong tháng 3/2024, thấp hơn mức 106,9 điểm theo dự báo của các chuyên gia kinh tế. Nguyên nhân một phần là do triển vọng lạm phát, cùng kế hoạch nới lỏng chính sách tiền tệ vẫn sẽ cần thêm thời gian để đánh giá.
Chỉ số kỳ vọng, dựa trên đánh giá của người tiêu dùng về triển vọng ngắn hạn của thu nhập, tình hình kinh doanh và thị trường lao động, đã giảm xuống mức 73,8 điểm trong tháng 3/2024, từ mức 76,3 điểm của tháng trước đó. Dưới ngưỡng 80 điểm thường được ghi nhận có xác suất xảy ra suy thoái trong tương lai, cho thấy triển vọng của người tiêu dùng dần suy yếu. Nhu cầu dầu thô khi đó cũng sẽ chịu áp lực, nên lực bán có phần rõ rệt hơn sau báo cáo. Trước đó, giá liên tục giằng co trong nửa đầu phiên giao dịch.
Về mặt cung cầu, xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga đã lấy lại được khoảng một nửa mức giảm trong tuần trước, bất chấp việc ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các lệnh trừng phạt bắt đầu cản trở chuỗi cung ứng dầu mỏ của Moscow. Điều này cũng tạo áp lực nhẹ cho giá dầu trong phiên.
Cụ thể, lưu lượng dầu thô bằng đường biển của Nga trong tuần tính đến ngày 24/3 đã tăng 360.000 thùng/ngày lên 3,32 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, mức trung bình 4 tuần ít biến động hơn đã giảm trong tuần thứ hai với mức giảm khoảng 40.000 thùng/ngày xuống còn 3,24 triệu thùng/ngày.
Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo từ Viện dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thương mại Mỹ bất ngờ tăng mạnh 9,3 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 22/3, trái ngược với dự đoán giảm 1,3 triệu thùng. Thông tin này ngay lập tức tạo áp lực lên giá dầu, khiến dầu thô kết thúc phiên giao dịch trong sắc đỏ.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Trên khung H4, giá dầu hiện đang hướng về đường EMA50, và việc vi phạm xuống dưới đường này có thể đẩy giá dầu tạm thời về vùng 80 USD. Vùng hỗ trợ cần quan sát là vùng 80,9 – 81 USD. Trên khung H1, giá đã phá vỡ EMA50 hướng xuống. Tuy nhiên, RSI cho thấy đang có xu hướng phân kỳ ẩn tăng giá và cũng đang ở vùng quá bán. Dự kiến sẽ có nhịp hồi lên vùng 81,4 USD trước khi có thêm tín hiệu xác nhận đà giảm hay tiếp tục xu hướng tăng cao. Biên độ giá đang khá hẹp. Nhà đầu tư nên cân nhắc đứng ngoài quan sát.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)