Kết thúc tuần giao dịch ngày 20/03 – 26/03, giá dầu đã lấy lại đà phục hồi nhẹ khi những biến động trong lĩnh vực ngân hàng tạm lắng, giúp củng cố tâm lý của các nhà đầu tư. Trong khi đó, một vài lo ngại về nguồn cung cũng thúc đẩy lực mua quay trở lại thị trường dầu sau tuần lao dốc mạnh trước đó. Giá dầu WTI ghi nhận đà tăng 3,48% lên 69,26 USD/thùng, dầu Brent tăng 2,5% lên mức 74,59 USD/thùng.
Lo ngại về việc Ngân hàng Credit Suisse của Thuỵ Sỹ sẽ tiếp bước sự sụp đổ của Ngân hàng SVB tại Mỹ đã được tháo bỏ một phần, sau khi được Ngân hàng lớn nhất Thuỵ Sĩ là UBS mua lại dưới sự hậu thuẫn của Chính phủ. Tâm lý của thị trường dần ổn định hơn sau sự hoảng loạn từ tuần trước đó, đã hỗ trợ cho giá dầu thô phục hồi từ mức đáy thấp nhất trong vòng 15 tháng.
Thị trường cũng phản ứng tích cực hơn sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên mức 4,75% – 5,00%, nhưng đưa ra tín hiệu rằng đà tăng nhiều khả năng sẽ sớm kết thúc. Biểu đồ dot plot, phản ánh quan điểm về lãi suất của các quan chức Fed, cho thấy lãi suất đỉnh của năm nay là mức 5,1%, tương đương với 1 lần tăng thêm 25 điểm cơ bản. Chỉ số Dollar Index trong tuần qua cũng giảm 0,57% xuống 103,12 điểm, khi đồng USD yếu hơn và hỗ trợ cho giá dầu do chi phí nắm giữ bớt đắt đỏ hơn.
Về yếu tố cung cầu, một vài thông tin từ phía nguồn cung cũng đã thúc đẩy đà tăng đối với dầu thô. Các cuộc đình công khắp khu vực hạ nguồn dầu mỏ của Pháp, một phần của các cuộc biểu tình trên toàn quốc về việc phản đối cải cách lương hưu của chính phủ đã kéo dài hơn nửa tháng. Điều này đang cản trở hoạt động giao dầu thô cho các nhà máy lọc dầu. Nhà điều hành TotalEnergies cho biết nhà máy lọc dầu lớn nhất của đất nước, cơ sở Gonfreville với công suất 246.900 thùng/ngày đã ngừng hoạt động trong tuần qua.
Trong khi đó, báo cáo từ Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 17/03 mặc dù tăng 1,1 triệu thùng, trái ngược với dự báo giảm, nhưng tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất giảm lần lượt 6,4 và 3,3 triệu thùng, cho thấy nhu cầu có sự cải thiện.
Tuy nhiên, những lo ngại trên thị trường tài chính vẫn còn tiềm ẩn, cùng với xu hướng dư cung trong ngắn hạn đã kéo giá dầu suy yếu trở lại trong 2 phiên cuối tuần. Dữ liệu từ Hãng khai thác dầu khí Baker Hughes cho biết số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ tăng 4 lên 758 giàn đang hoạt động trong tuần kết thúc ngày 24/03. Thêm vào đó, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cũng đã nói với các nhà lập pháp rằng việc bổ sung lại vào Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) của quốc gia này có thể mất vài năm, bất chấp việc giá dầu đang ở vùng 67 – 72 USD/thùng. Điều này đã khiến cho lực bán chiếm ưu thế trên thị trường dầu trong 2 phiên cuối tuần. Rủi ro vĩ mô cũng khiến ngân hàng JP Morgan cắt giảm dự báo giá dầu thô Brent xuống dưới 60 USD/thùng do lo ngại thị trường sẽ ở trong trạng thái thặng dư.
Mới đây, thông tin Iraq đã ngừng xuất khẩu dầu thô từ khu vực bán tự trị Kurdistan và các mỏ phía bắc Kirkuk sau khi nước này thắng Thổ Nhĩ Kỳ trong một vụ kiện từ năm 2014 có thể sẽ khiến giá dầu phục hồi đầu tuần này. Điều đó đã khiến cho 450.000 thùng dầu thô mỗi ngày đến Thổ Nhĩ Kỳ qua đường ống đã bị ngừng vận chuyển.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Khối lượng giao dịch cho thấy lực bán đang có phần mạnh lên, nhưng giá dầu đang ở vùng khá quan trọng. Vùng 70 – 70,3 USD sẽ là mốc mà giá dầu cần phải vượt qua để có thể thiết lập đà tăng mạnh. Trong trường hợp giá dầu phá được vùng này, nhà đầu tư có thể mở mua và kỳ vọng chốt lời 71,8 USD. Tuy nhiên, trong trường hợp thiếu vắng thông tin cơ bản hỗ trợ giá và khiến giá trở về vùng 69 USD, có thể mở bán với kỳ vọng chốt lời tại 68 USD.
TIN KHÁC
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)
Giá dầu giảm 3 ngày liên tiếp(23/05/2024)