Thị trường dầu thô trải qua một phiên giao dịch đầy biến động trong bối cảnh các yếu tố về vĩ mô cạnh tranh với những yếu tố cơ bản về cung cầu. Kết thúc phiên 25/7, giá dầu thô WTI tăng 2,11% lên 96,7 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng khiêm tốn hơn chỉ 1,81% lên 100,19 USD/thùng.
Lo ngại về một đợt tăng lãi suất mạnh tay khác tới từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cùng với nguy cơ suy thoái trên toàn cầu đã khiến cho sức ép bán xuất hiện ngay từ đầu phiên. Khảo sát của Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA), cho biết người Mỹ đã bắt đầu điều chỉnh thói quen lái xe của họ để thích nghi với việc giá năng lượng gia tăng. Nhiều người Mỹ cho biết họ lái xe ít hơn, hoặc hoãn kỳ nghỉ trong năm nay.
Tuy nhiên, sau đó giá dầu thô đã hồi phục mạnh mẽ khi các nhà giao dịch thận trọng cân nhắc các yếu tố về nguồn cung. Những rủi ro suy thoái hiện dừng ở mức lo ngại, trong khi tình trạng nguồn cung bị thắt chặt vẫn đang tiếp tục diễn ra. Nhiều nhà phân tích cho rằng chính sách áp giá trần đối với dầu thô của Nga không những khó giải quyết vấn đề về nguồn cung, trái lại còn làm gia tăng những rủi ro đối với an ninh năng lượng toàn cầu. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, Elvira Nabiullina, cũng cho biết Nga sẽ không cung cấp dầu cho các quốc gia áp đặt trần giá đối với dầu của họ. Khoảng trống nguồn cung mà Nga để lại hiện rất khó có thể được lấp đầy, bởi cả Mỹ và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đều chưa thể gia tăng sản lượng.
Ngoài ra, sản lượng từ Lybia, một thành viên của OPEC, sẽ tiếp tục ở trong tình trạng bất ổn do những căng thẳng chính trị vẫn ở mức cao, và khó có thể theo kịp mục tiêu nâng sản lượng từ 860.000 thùng/ngày lên 1,2 triệu thùng/ngày của tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Libya (NOC).
Một yếu tố khác khiến cho sức mua gia tăng trên thị trường dầu hôm qua chính là sự suy yếu của đồng USD. Chỉ số Dollar Index giảm về 106,8 điểm, mức thấp nhất trong vòng 2 tuần. Đồng bạc xanh suy yếu sẽ khiến cho chi phí giao dịch trên thị trường hàng thực lẫn thị trường hàng hoá tương lai rẻ hơn. Ngoài ra, đây cũng có thể là chỉ báo sớm cho việc Fed sẽ không quá mạnh tay để thắt chặt các chính sách tiền tệ trong cuộc họp vào hai ngày 27 – 28 tuần này.
Trên thị trường khí tự nhiên, Nga đã tiến hành thắt chặt nguồn cung khí đốt đối với châu u Gazprom cho biết nguồn cung thông qua đường ống Nord Stream 1 đến Đức sẽ giảm xuống chỉ còn 20% công suất. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu khí đốt của Châu u từ các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là Mỹ.
Theo Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), quốc gia này hiện đã trở thành nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu trong nửa đầu năm 2022, trong bối cảnh nước này tăng nguồn cung sang châu u do xung đột giữa Nga - Ukraine. Giá khí tự nhiên tại Mỹ hôm qua tiếp tục tăng 4,59%.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Về mặt kỹ thuật, giá dầu WTI vẫn đang dao động ở dải dưới của Bollinger Band trên khung D1. Giá đã test lại thành công khu vực hỗ trợ 93 USD, và đang hướng về cạnh giữa của Bollinger Band. Các nhà đầu tư có thể mở vị thế mua tại 95,1 USD với kỳ vọng chốt lời ở mức 97,6 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)
Giá dầu giảm 3 ngày liên tiếp(23/05/2024)
Bản tin MXV Năng lượng 25/07: Giá dầu phục hồi trong tuần trước, dẫn dắt bởi lo ngại nguồn cung suy yếu(25/07/2022)