Kết thúc tuần giao dịch ngày 18/9 – 24/9, giá dầu WTI gần như không ghi nhận sự thay đổi so với tham chiếu của tuần trước đó, chỉ tăng nhẹ 0,01% lên mức 90,03 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giảm nhẹ 0,7% xuống 93,27 USD/thùng.
Mặc dù một số yếu tố cung cầu vẫn hỗ trợ cho giá dầu, đặc biệt là lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu tạm thời của Nga làm tăng rủi ro thiếu hụt nguồn cung trên thị trường, nhưng tác động vĩ mô đã hạn chế đà tăng, kéo giá dầu suy yếu trong tuần qua.
Với mùa đông ở Bắc bán cầu đang đến gần và thị trường dầu diesel toàn cầu thắt chặt, Nga đã cấm xuất khẩu nhiên liệu được sử dụng cho các hoạt động vận chuyển, sưởi ấm và công nghiệp.
Từ đầu năm đến nay, Nga là nước xuất khẩu nhiên liệu diesel bằng đường biển lớn nhất thế giới, vượt xa Mỹ. Tuy nhiên, Nga đã cắt giảm xuất khẩu dầu diesel và gasoil bằng đường biển gần 30% xuống còn khoảng 1,7 triệu tấn trong 20 ngày đầu tháng 9 so với cùng thời điểm trong tháng 8, do các nhà máy lọc dầu bảo trì theo mùa và thị trường nội địa thiếu nhiên liệu.
Điều này khiến cho các quốc gia nhập khẩu nhiều nhiên liệu từ Nga phải tìm kiếm các thị trường khác, trong đó có Mỹ nhằm đáp ứng tiêu thụ. Từ đó, các nhà máy lọc dầu cần gia tăng công suất, làm tăng nhu cầu dầu thô làm đầu vào sản xuất và hỗ trợ giá dầu tăng.
Trong khi đó, nguồn cung tại Mỹ lại gia tăng rất khiêm tốn. Báo cáo từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy sản lượng dầu đá phiến của Mỹ dự kiến sẽ giảm khoảng 40,000 thùng/ngày so với tháng trước, xuống 9,39 triệu thùng/ngày trong tháng 10, giảm tháng thứ 3 liên tiếp và ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 5/2023.
Số liệu từ hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu khí của Mỹ đã giảm 11 giàn xuống mức 630 giàn đang hoạt động trong tuần kết thúc ngày 22/9. Đây là tuần đầu tiên các công ty năng lượng của Mỹ giảm số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên sau ba tuần tăng liên tiếp và lầ mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022.
Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế vĩ mô trong tuần qua đã gây áp lực đáng kể cho giá dầu, kéo giá suy yếu trở lại. Cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mặc dù đã giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 5,25% – 5,5%. Tuy nhiên, các quan chức Fed cảnh báo về 1 lần tăng 0,25 điểm phần trăm nữa trong năm nay.
Đồng USD mạnh hơn kéo chỉ số Dollar Index tăng 0,25% lên trên 105 điểm. Lợi suất trái phiếu Mỹ 10 năm thiết lập đỉnh mới, cao nhất kể từ 10/2007 sau khi tăng 10 điểm cơ bản lên 4,44%. Điều này đã gây áp lực cho chi phí giao dịch và mua dầu trên thực tế, kéo giá suy yếu trong tuần.
Ngoài ra, vấn đề nợ công của Mỹ một lần nữa ‘nóng’ trở lại. Đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện đã chống lại việc thông qua dự luận chi tiêu của Chủ tịch Hạ viện McCarthy, trong một nỗ lực để tìm kiếm điểm chung về luật nhằm ngăn chặn việc Chính phủ đóng cửa bắt đầu vào ngày 1/10. Vào hồi tháng 5 năm nay, rủi ro vỡ nợ tại Mỹ cũng đã từng đẩy giá dầu xuống mức thấp.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Sau 3 tuần tăng liên tiếp, giá dầu kết thúc tuần qua bằng một cây nến tuần dạng Doji cho thấy lực mua và lực bán đang cân bằng. Lực mua chững lại, nhưng sẽ cần thêm nến xác nhận liệu giá dầu đảo chiều giảm hay chưa.
Trên khung D1, giá tiếp tục tuân thủ trong kênh xu hướng tăng giá, được hỗ trợ bởi vùng 88,8 USD và di chuyển nửa cạnh trên của dải Bollinger Band.
Trên khung H4, giá dầu được hỗ trợ bởi vùng 88,8 USD và đường EMA50. Tuy nhiên, dải Bollinger Band đang có xu hướng thu hẹp 2 đầu. Giá dầu có thể tiến lên cạnh trên của dải ở vùng 91,2 USD. Nhìn chung, giá dầu đang đi ngang tích luỹ và nhà đầu tư nên chờ đợi tín hiệu. Nếu giá tăng trên 91,2 USD sẽ mở đường chinh phục mốc 92,5 USD và cao hơn. Còn nếu giá rơi khỏi vùng 88,8 USD, dầu sẽ xác nhận đà giảm về vùng 87,2 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)