Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/08, dầu thô ghi nhận phiên giảm giá thứ 3 liên tiếp trước các tín hiệu bù đắp tích cực hơn về phía nguồn cung, trong khi bức tranh vĩ mô tại một số quốc gia tiêu thụ lớn khá yếu. Cụ thể, giá dầu WTI giảm 0,94% xuống 78,89 USD/thùng và dầu Brent chốt phiên ở mức 82,84 USD/thùng, giảm 1,02% so với phiên trước đó.
Sản lượng dầu thô của Iran sẽ đạt 3,4 triệu thùng/ngày vào cuối tháng 9, theo Bộ trưởng Dầu mỏ Iran được truyền thông nhà nước dẫn lời, mặc dù các lệnh trừng phạt của Mỹ vẫn được áp dụng. Điều đó đồng nghĩa với việc quốc gia này sẽ bổ sung khoảng 0,6 triệu thùng dầu/ngày ra thị trường.
Ngoài ra, theo hãng tin Reuters, các quan chức Mỹ đang soạn thảo một đề xuất nhằm giảm bớt các lệnh trừng phạt đối với ngành dầu mỏ của Venezuela, cho phép nhiều công ty và quốc gia hơn nhập khẩu dầu thô từ Venezuela, nếu quốc gia Nam Mỹ này tiến tới một cuộc bầu cử tổng thống tự do và công bằng hơn.
Việc Chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẵn sàng giảm nhẹ các lệnh trừng phạt đối với Venezuela nếu nước này nỗ lực khôi phục nền dân chủ, sẽ mở ra cơ hội cho việc gia tăng nguồn cung dầu. Những người mua dầu thô ở châu Âu và các khu vực khác sẽ được tiếp tục nhập khẩu dầu của Venezuela một cách có tổ chức và có cấu trúc, làm giảm tính cạnh tranh trong môi trường nguồn cung thắt chặt. Các yếu tố này đã tiếp tục tạo sức ép lên giá dầu.
Thêm vào kỳ vọng tăng cường nguồn cung dầu toàn cầu, các nhà phân tích cho biết mặc dù giai đoạn bảo trì cát dầu và việc cháy rừng đầu mùa hè đã làm giảm sản lượng dầu thô của Canada trong quý II, nhưng các công ty dầu mỏ tại quốc gia này vẫn đang nỗ lực gia tăng sản lượng với ước tính 8% trong 2 năm tới, tương đương khoảng 375.000 thùng/ngày.
Đà giảm của giá dầu chỉ chững lại trong phiên hôm qua sau báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại giảm 6,1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 18/08, giảm nhiều hơn so với báo cáo của Viện dầu khí Mỹ (API) với mức giảm 2,4 triệu thùng khi hoạt động lọc dầu đạt mức cao nhất năm 2020. Thông lượng lọc dầu của các nhà máy đã tăng 30.000 thùng/ngày trong tuần trước lên 16,78 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 1/2020.
Giá dầu bật tăng ngay sau báo cáo, nhưng việc tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất đồng loạt tăng trong tuần trước lần lượt 1,5 và gần 1 triệu thùng, trong khi thước đo nhu cầu là tổng sản phẩm được cung cấp giảm nhẹ 500.000 thùng/ngày cho thấy mức tiêu thụ chững lại, đã ngăn cản giá đảo chiều.
Hơn nữa, lo ngại về bối cảnh vĩ mô tại một số nền kinh tế tiêu thụ dầu lớn cũng gây sức ép cho giá dầu.
Nhật Bản báo cáo hoạt động nhà máy bị thu hẹp trong tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 8. Hoạt động kinh doanh khu vực đồng Euro cũng sụt giảm nhiều hơn dự kiến, đặc biệt là ở Đức. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) tổng hợp sơ bộ của EU tháng 08/2023 do S&P Global khảo sát đạt mức 47 điểm, thấp hơn dự báo và tháng trước. Trong khi đó, các nhà phân tích từ Reuters cho biết tăng trưởng kinh tế Anh có thể sẽ suy giảm trong quý hiện tại, có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Hoạt động kinh doanh của Mỹ cũng tiến đến điểm trì trệ trong tháng 8. S&P Global cho biết chỉ số PMI tổng hợp của Mỹ, theo dõi các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đã giảm xuống mức 50,4 trong tháng 8 từ mức 52 trong tháng 7, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 11/2022. Trong khi đó, chỉ số PMI sản xuất dưới ngưỡng 50 tháng thứ 4 liên tiếp, đạt 47 điểm, biểu thị cho sự thu hẹp hoạt động của các nhà máy.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Giá dầu phá vỡ hỗ trợ 78,8 – 79 USD và tiến về vùng 77,7 USD như đã dự báo. Giá có xu hướng rút chân lên ở vùng này do đây cũng là vùng hỗ trợ (sát vùng Fibo 1,272 trong sóng giảm từ 84 đến 79 USD).
Mô hình vai đầu vai hình thành và giá dầu phá vỡ đường neckline nêu trên xác nhận đảo chiều xu hướng và giá nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm.
Trên khung H4, giá đã kiểm tra lại vùng kháng cự 79 – 79,3 USD và đang bị cản lại ở vùng này. Giá vẫn di chuyển nửa cạnh dưới của dải Bollinger Band. Việc đảm bảo di chuyển dưới vùng kháng cự trên có thể đẩy giá xuống vùng 77 – 77,3 USD. Trong khi nếu tăng lên trên vùng 79 – 79,3 USD, giá có thể sẽ tạm hồi lên vùng 80 USD tích luỹ trước khi tiếp đà giảm.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)