Giá dầu giảm điều chỉnh trong phiên hôm qua, khi thị trường cân nhắc về triển vọng gia tăng các lệnh cấm vận của phương Tây lên Nga. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 0.64% xuống 109.27 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 0.08% xuống 111.83 USD/thùng.
Dầu tăng mạnh trong phiên sáng trước tình hình xung đột vũ trang gia tăng tại Ukraine. Việc Nga đe dọa sẽ cắt đứt quan hệ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO sau khi khối liên tiếp gửi viện trợ cho Ukraine cũng thúc đẩy giá dầu tăng, nhất là khi các thành viên châu Âu được kỳ vọng sẽ bàn luận về các lệnh cấm vận đối với Nga trong cuộc gặp tuần này.
Tuy vậy, giá đã giảm trở lại do lực bán gia tăng tại kháng cự vùng 112 USD/thùng. Thêm vào đó, các thành viên như Đức và Hungary lên tiếng phản đối đề xuất cấm nhập khẩu dầu của Nga cũng khiến giá suy yếu. Theo các phân tích chỉ ra, việc nhiều thành viên phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga cũng như lo ngại về giá năng lượng gia tăng đột biến khiến cho lệnh cấm vận dầu thô không khả thi.
Nhà Trắng cho biết, trong cuộc họp bất thường đối với khối NATO tuần này, Mỹ sẽ bàn luận với các đồng minh về việc thiết lập các hành động chung nhằm tăng cường an ninh năng lượng của châu Âu, cũng như các phương án giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga. Mỹ vẫn đang đe dọa sẽ gia tăng các lệnh trừng phạt lên Nga, tuy vậy để các lệnh cấm có ý nghĩa, sẽ cần đến sự hợp tác của EU. Theo thống kê của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, EU chiếm đến 45% tỷ trọng xuất khẩu dầu thô và sản phẩm từ dầu của Nga.
Báo cáo rạng sáng nay của Viện Dầu khí Mỹ API cho thấy tồn kho dầu tho thương mại của Mỹ giảm 4.3 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 18/03 đang trở thành yếu tố hỗ trợ giá dầu hiện tại. Tồn kho xăng cũng giảm 626,000 thùng, cho thấy nhu cầu đi lại tại Mỹ vẫn duy trì bất chấp việc giá xăng dầu tăng mạnh trong giai đoạn vừa rồi. Việc Hồng Kông lập kế hoạch dỡ bỏ gần các hạn chế để chống dịch Covid-19 trong tháng 4 cũng phần nào tạo ra kỳ vọng nhu cầu năng lượng tại châu Á sẽ giữ vững trong thời gian tới.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Về mặt kỹ thuật, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 05/2022 nhận được hỗ trợ mạnh tại vùng 107.2 USD/thùng và 101.80. Giá gặp lực cản lớn tại vùng 116.5 và 120 USD/thùng. Các tín hiệu kỹ thuật không có nhiều thay đổi, với RSI chuyển sang đi ngang trong vùng trung tính. Giá có thể chuyển sang xu hướng đi ngang trong tuần này trong khoảng 107-113 USD/thùng. Có thể canh mua khi giá điều chỉnh về 107.5-108 và kỳ vọng chốt lời khi giá tăng khoảng 2-3 USD/thùng.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)