Kết thúc ngày giao dịch đầu tuần 22/1, giá dầu bật tăng khoảng 2% lên mức cao nhất trong gần một tháng do lo ngại nguồn cung toàn cầu gián đoạn. Công ty năng lượng Novatek của Nga đã đình chỉ một số hoạt động tại cảng xuất khẩu nhiên liệu khổng lồ Ust-Luga ở Biển Baltic. Trong khi đó, thời tiết lạnh khắc nghiệt vẫn đang cản trở hoạt động sản xuất dầu tại Mỹ.
Chốt phiên, giá dầu WTI tăng 2,06% lên 74,76 USD/thùng. Dầu Brent tăng 1,91% lên 80,06 USD.
Vụ hỏa hoạn được cho là gây ra bởi máy bay không người lái của Ukraine đã buộc Novatek phải ngừng một số hoạt động tại khu phức hợp khổng lồ Ust-Luga. Khu phức hợp này nằm trên Vịnh Phần Lan, cách St. Petersburg khoảng 170 km (110 dặm) về phía tây, xử lý khí ngưng tụ thành naphtha, dầu hỏa và dầu diesel để vận chuyển bằng đường biển. Tờ Kommersant dẫn lời chính quyền địa phương cho biết, hai bể chứa và một trạm bơm đã bị hư hỏng sau sự cố. Điều này đã hỗ trợ mạnh cho giá dầu, trước khi Tập đoàn năng lượng Transneft của Nga cho biết đã nối lại việc vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu từ cảng.
Ngoài ra, thời tiết lạnh khắc nghiệt trên khắp nước Mỹ vẫn đang hạn chế sản lượng dầu thô ở North Dakota, cũng như cản trở hoạt động sản xuất ở các bang khác. Cơ quan quản lý đường ống của North Dakota cho biết hơn 20% sản lượng tại bang sản xuất dầu lớn thứ ba vẫn đang bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông không ngừng leo thang cũng làm gia tăng mối đe dọa gián đoạn nguồn cung trong khu vực. Lực lượng Israel đã tiến sâu vào phía tây Khan Younis trong cuộc giao tranh khốc liệt nhất trong năm mới ở Gaza cho đến nay.
Ở một diễn biến khác, giá khí tự nhiên giảm khoảng 4% xuống mức thấp nhất trong năm tuần do dự báo nhu cầu giảm do thời tiết ấm hơn vào đầu tháng 2. Các nhà khí tượng học dự báo nhiệt độ ở 48 bang của Mỹ sẽ ấm hơn từ ngày 23/1 - 23/2. Với thời tiết bớt lạnh hơn, LSEG dự báo nhu cầu khí đốt của Mỹ tại 48 bang, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ giảm từ 143,2 tỷ feet khối (bcfd) trong tuần này xuống 123,5 bcfd vào tuần tới.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Lực cầu gia tăng mạnh mẽ từ vùng hỗ trợ tâm lý 72 – 72,5 USD đẩy giá vượt MA50. Tuy nhiên, diễn biến giá vẫn tương đối giằng co khi phiên trước đóng nến spinning top, phản ánh sự cân bằng giữa lực mua và lực bán. Trong khi đó, giá đang gặp kháng cự cứng MA200. Trên khung 4H, mẫu hình bearish piercing hình thành. RSI bắt đầu hướng xuống, trong khi hai đường %D và %K của Stoch RSI cũng có dấu hiệu cắt xuống từ vùng quá mua. Khung 1H xuất hiên mẫu hình bearish engulfing, theo sau là loạt nến giảm. Dự báo giá dầu có thể hạ nhiệt về backtest MA50 tại vùng giá 73,8 – 74 USD, trước khi tiếp tục xu hướng tăng lên 75,5 – 76 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)