Giá dầu liên tục đảo chiều trong phiên giao dịch ngày 21/9, trước đi kết phiên trong sắc đỏ với mức giảm nhẹ. Quyết định hạn chế xuất khẩu dầu diesel bằng đường biển trong tháng 9 của Nga đã khiến giá đảo chiều tăng mạnh trong phiên tối. Tuy nhiên, áp lực vĩ mô từ kế hoạch thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã kéo giá hạ nhiệt trở lại.
Giá dầu WTI chốt phiên với mức thay đổi không đáng để, chỉ giảm nhẹ 0,03% so với phiên trước đó xuống mức 89,63 USD/thùng. Dầu Brent giảm 0,25% xuống 93,30 USD/thùng.
Giá dầu mở cửa với lực bán chiếm ưu thế, tuy nhiên, việc Nga tạm thời cấm xuất khẩu dầu diesel, trong một nỗ lực đáp ứng nguồn cung thiếu hụt trong nước, đã kéo theo đà tăng của giá dầu. Điều này khiến cho nguồn cung dầu cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới do đây là đầu vào để sản xuất các nhiên liệu tinh chế.
Nga đã cắt giảm xuất khẩu dầu diesel và gasoil bằng đường biển gần 30% xuống còn khoảng 1,7 triệu tấn trong 20 ngày đầu tháng 9 so với cùng thời điểm trong tháng 8, do các nhà máy lọc dầu địa phương tiến hành bảo trì theo mùa và thị trường nội địa đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu trong bối cảnh giá tăng cao.
Mặc dù đây chỉ là lệnh cấm tạm thời, nhưng tác động là đáng kể vì Nga vẫn là nhà xuất khẩu dầu diesel quan trọng ra thị trường. Giá dầu ít lưu huỳnh, nguyên liệu sản xuất xăng, dầu diesel và các sản phẩm tinh chế khác đã bật tăng 4,5% trong phiên hôm qua. Giá dầu cũng đã đảo chiều tăng trước thông tin này.
Ở Bắc Âu, phí bảo hiểm của dầu diesel tương lai chuẩn so với dầu thô đã tăng vọt sau lệnh cấm, vượt qua 37 USD/thùng và đạt mức cao nhất trong 5 ngày.
Tuy nhiên, các sức ép vĩ mô đã đẩy giá dầu suy yếu vào cuối phiên. Giá xăng dầu tăng cao sẽ làm gia tăng rủi ro lạm phát và buộc nhiều Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới, đặc biệt là Fed tiếp tục thắt chặt tiền tệ, gây áp lực trở lại cho nền kinh tế và nhu cầu tiêu thụ dầu.
Trong cuộc họp trước đó, các quan chức Fed cho rằng lãi suất có thể sẽ tăng thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 11, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang tương đối tích cực, sẽ tạo thêm không gian cho công cuộc kiểm soát lạm phát của Fed.
Ngoài ra, Mỹ cũng đối diện với rủi ro đóng cửa Chính phủ khi nợ công lần đầu vượt 33 nghìn tỷ USD, cùng những bất đồng giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hoà về vấn đề ngân sách liên bang. Đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện đã chống lại việc thông qua dự luận chi tiêu của Chủ tịch Hạ viện McCarthy, trong một nỗ lực để tìm kiếm điểm chung về luật nhằm ngăn chặn việc Chính phủ đóng cửa bắt đầu vào ngày 1/10. Điều này cũng đã gây sức ép nhất định lên giá dầu trong phiên.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Trên khung H4, giá dầu đang gặp lực cản nhất định tại đường SMA của dải Bollinger Band và tiếp tục di chuyển nửa dưới của dải. Giá có xu hướng tạo đỉnh sau thấp hơn, mặc dù các tín hiệu vẫn chưa quá rõ ràng. Giá vẫn đang đối diện với vùng hỗ trợ 88,70 USD và đường hỗ trợ EMA50. Việc vượt qua vùng này sẽ đưa giá về vùng 87,3 USD. Các nhà đầu tư có thể quan sát thêm và vào lệnh bán trong trường hợp giá phá vỡ hỗ trợ 88,70 USD. Dừng lỗ khi giá vượt quá 90 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)