Giá dầu mở cửa phiên giao dịch ngày 21/08 với lực mua mạnh mẽ, nhưng đã nhanh chóng đảo chiều giảm trở lại vào nửa cuối phiên và đóng cửa trong sắc đỏ. Cụ thể, giá dầu WTI chốt ngày tại mức giá 80,12 USD/thùng, tương đương với mức giảm 0,67%. Giá dầu Brent giảm 0,32% xuống mức 84,09 USD/thùng.
Một số dấu hiệu phục hồi trong khả năng cung ứng dầu trên thị trường, cùng với lo ngại về tiêu thụ suy yếu, nhất là khi Mỹ đang dần bước vào giai đoạn cuối của mùa tiêu thụ cao điểm đã gây áp lực đối với giá dầu.
Mặc dù giá dầu đã nhận được lực mua rất tích cực sau khi Trung Quốc cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản 1 năm 0,1 điểm phần trăm xuống 3,45% trong phiên sáng, nhưng mức cắt giảm ít hơn kỳ vọng vẫn cho thấy động thái thận trọng trong việc hỗ trợ nền kinh tế, bất chấp loạt dữ liệu kinh tế yếu kém trong vài tháng gần đây.
Áp lực bán gia tăng khiến giá đảo chiều giảm trong nửa cuối phiên, trong bối cảnh nguồn cung có dấu hiệu phục hồi. Theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq đang có kế hoạch thảo luận về việc nối lại xuất khẩu dầu thông qua nhà ga Ceyhan ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hai bên trước đó đã có những tranh chấp pháp lý kéo dài ảnh hưởng tới khoảng 450.000 thùng dầu/ngày.
Thêm vào sức ép giảm giá, xuất khẩu dầu của Iran đang tăng mạnh trong tháng 8, củng cố kỳ vọng nguồn cung được bù đắp một phần trước tác động cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia và giảm xuất khẩu từ Nga.
Cụ thể, theo TankerTrackers, công ty cung cấp dữ liệu về các chuyến hàng vận chuyển dầu cho các Chính phủ, công ty bảo hiểm và các tổ chức khác, ước tính rằng quốc gia vùng Vịnh Ba Tư này đã xuất khẩu 2,2 triệu thùng dầu thô và khí ngưng tụ mỗi ngày trong 20 ngày đầu tháng 8. Nếu được duy trì, con số này sẽ vượt xa khối lượng cung cấp của các tháng khác trong năm nay.
Ngoài ra, giá dầu hàng đầu của Nga có thể đã tăng vọt lên trên mức trần 60 USD/thùng do các nước G7 áp đặt, nhưng điều này vẫn không cản trợ được việc cung cấp các dịch vụ thương mại từ phương Tây.
Khoảng 40% tàu chở dầu thô từ các cảng Baltic và Biển Đen của Nga thuộc sở hữu của các công ty có trụ sở tại các quốc gia đã đăng ký mức giá trần. Trước khi mức giá trần bị áp đặt, có khoảng 50% lượng tàu thuộc sở hữu của phương Tây. Một số lượng lớn vẫn nhận được bảo hiểm chuyển qua London. Điều này cho thấy tác động của mức giá trần trong bối cảnh giá dầu tăng cao hơn trên thực tế không ngăn được dòng chảy dầu từ Nga, góp phần bảo hộ nguồn cung trên thị trường.
Bên cạnh các yếu tố về nguồn cung, lo ngại về nhu cầu tiêu thụ suy yếu khi Mỹ đang vào giai đoạn cuối mùa tiêu thụ cao điểm, và nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng yếu cũng gây áp lực cho giá dầu. Dữ liệu Hải quan Trung Quốc cho thấy, xuất khẩu dầu tháng 7 của Saudi Arabia sang Trung Quốc đã giảm 31% so với tháng 6 khi quốc gia này liên tục tăng giá bán sang châu Á. Thay vào đó, nguồn cung từ Nga tiếp tục được đảm bảo.
Trung Quốc đang sử dụng hàng tồn kho kỷ lục được tích lũy vào đầu năm nay khi các nhà máy lọc dầu thu hẹp quy mô mua trong bối cảnh giá cao hơn giai đoạn nửa đầu năm.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Sau khi hồi lên một nửa sóng giảm trước đó, giá dầu đã không vượt qua được vùng kháng cự 81,5 – 81,7 USD, quay đầu giảm trở lại. Trên khung D1, giá tạo chân nến dài cho thấy lực bán mạnh trong phiên hôm qua, đang có dấu hiệu tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước.
Giá hiện đã rơi xuống dưới đường EMA50 trên khung H4, đang giao động quanh đường SMA của dải Bollinger Band trên khung này. Stoch RSI vẫn đang hướng xuống. Giá có thể sẽ có nhịp hồi kiểm tra lại EMA50, vùng 80,5 USD trước khi tiếp tục đà giảm. Hỗ trợ tiếp theo sẽ là vùng 79 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)
Giá dầu giảm 3 ngày liên tiếp(23/05/2024)