Giá dầu thô duy trì đà tăng trong bối cảnh những lo ngại về nguồn cung tiếp tục là yếu tố dẫn dắt thị trường. Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/06, giá dầu WTI đóng cửa tăng 1,42% lên 109,52 USD/thùng, còn giá dầu Brent tăng 0,46% lên 114,65 USD/thùng.
Thị trường dầu thô vẫn cần thêm nhiều thời gian để quay trở lại trạng thái cân bằng, vì thế bất chấp những lo ngại về suy thoái, sức mua vẫn tiếp tục ổn định trong phiên hôm qua. Giám đốc điều hành của tập đoàn dầu khí lớn nhất Mỹ - Exon Mobil cho biết tình trạng thắt chặt nguồn cung sẽ còn duy trì trong vòng 3 – 5 năm tới. Tác động của việc thiếu đầu tư trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đã khiến cho năng lực sản xuất và lọc dầu của rất nhiều công ty dầu khí Mỹ sụt giảm.
Báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) mới đây cũng cho biết công suất của các nhà máy lọc dầu tại Mỹ giảm 125.790 thùng/ngày và là năm giảm thứ hai liên tiếp. Dưới tác động của đại dịch kể từ năm 2020 đến nay, nhiều nhà máy phải đóng cửa vì không đảm bảo được lợi nhuận và khiến cho công suất xử lý dầu của Mỹ giảm khoảng 1 triệu thùng.
Nhiều nhà phân tích vẫn lo ngại về ảnh hưởng của các lệnh cấm vận đối với Nga. Hiện thị trường đang chờ đợi quyết định của Mỹ và các nước đồng minh trong việc áp đặt giá trần đối với dầu thô của Nga, cũng như phản ứng của Tổng thống Putin trước những tin tức này.
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu cũng đặt mục tiêu sẽ duy trì áp lực đối với Nga tại hội nghị thượng đỉnh của họ trong tuần này bằng cách cam kết tiếp tục thực hiện các biện pháp trừng phạt.
Ngoài ra, đà tăng của giá dầu cũng một phần được hỗ trợ, khi mà thị trường chứng khoán Mỹ hồi phục mạnh mẽ trong phiên giao dịch đầu tiên sau nghỉ lễ. Có thể thấy, những lo ngại về việc nền kinh tế bước vào tình trạng suy thoái đã dịu bớt, và nhiều khả năng sức bán mạnh trước đó trên thị trường dầu có phần hoảng loạn thái quá.
Nhu cầu trong ngắn hạn đối với thị trường dầu thô vẫn mạnh mẽ, ngay cả khi nền kinh tế có dấu hiệu suy yếu. Hiện những lo ngại về nguồn cung khó có thể giảm bớt trừ khi có một giải pháp cho cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine, hoặc nguồn cung được bổ sung mạnh mẽ từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Mặc dù vậy, năng lực sản xuất của OPEC hiện nay cũng rất hạn chế khi mà nguồn cung ở Libya vẫn bất ổn do ảnh hưởng của những biến động chính trị trong quốc gia này. Bên cạnh đó, Công ty dầu khí quốc gia Ecuador (Petroecuador) mới đây cũng cho biết họ sẽ phải dừng xuất khẩu do ảnh hưởng của các cuộc đình công và làm trầm trọng thêm những gián đoạn nguồn cung của thị trường dầu.
Tuy vậy, trong phiên sáng nay, thông tin sản lượng dầu của Argentina tăng lên mức kỷ lục trong tháng 05/2022, ở mức 584.000 thùng/ngày, mức tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù mức tăng này không quá lớn, nhưng cũng có thể trở thành yếu tố có thể gây áp lực cho giá dầu phiên sáng.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Giá dầu WTI vẫn đang giao dịch ở nửa dưới của Bollinger Band. Các chỉ số RSI và MACD vẫn cho thấy sức bán vẫn đang áp đảo hơn. Mặc dù vậy, các tin tức tích cực vẫn đang nhiều hơn nên giá có thể sẽ tăng sau khi điều chỉnh nhẹ.
Các nhà đầu tư có thể mở vị thế mua nếu giá giảm về 107,1 USD, với kỳ vọng chốt lời ở mức 111 USD. Cắt lỗ nếu giá giảm về dưới 105,6 USD.
TIN KHÁC
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)
Giá dầu giảm 3 ngày liên tiếp(23/05/2024)