Dầu thô đánh dấu đà tăng giá trở lại sau 4 tuần giảm liên tiếp trong tuần 15/05 – 21/05, được hỗ trợ bởi tình hình vĩ mô tại Mỹ khởi sắc hơn và tình hình tiêu thụ nhiên liệu khả quan tại các nền kinh tế lớn. Giá dầu WTI chốt tuần gần 71,7 USD/thùng, với mức tăng 1,67%. Dầu Brent tăng 1,57% lên sát mốc 75,5 USD/thùng.
Mặc dù vẫn chưa chính thức đi đến sự đồng thuận trong cuộc đàm phán nâng mức trần nợ tại Mỹ, nhưng Chính phủ đã phát đi vài tín hiệu khả quan hơn. Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã nhấn mạnh về việc quyết tâm sớm đạt được thỏa thuận nhằm nâng trần nợ 31.400 tỷ USD để tránh một “thảm họa kinh tế”. Trong bối cảnh rủi ro suy thoái tiềm ẩn có thể hạn chế nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu, thông tin tích cực này đã hỗ trợ cho đà tăng của giá dầu trong tuần qua.
Nhu cầu nhiên liệu ghi nhận sự khởi sắc đáng kể. Báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy số liệu xuất khẩu dầu thô của Mỹ tăng mạnh trong tuần kết thúc ngày 12/05, từ mức 2,9 triệu thùng/ngày lên 4,3 triệu thùng/ngày. Điều này phản ánh nhu cầu gia tăng từ các đối tác thương mại của Mỹ.
Thông lượng lọc dầu của Trung Quốc trong tháng 4 đã tăng 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 61,1 triệu tấn, mức cao thứ hai được ghi nhận, theo dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS).
Các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc duy trì hoạt động ở mức cao để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu trong nước đang hồi phục và xây dựng kho dự trữ trước mùa du lịch hè.
Về nguồn cung, cháy rừng tiếp tục hoành hành ở Alberta, tỉnh sản xuất dầu hàng đầu của Canada, quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ 4 trên thế giới. Điều này làm gián đoạn khoảng 240.000 thùng dầu mỗi ngày.
Trong khi đó, hoạt động khoan dầu đang sụt giảm ở Mỹ khi các nhà sản xuất hạn chế sản lượng, làm gia tăng rủi ro thiếu hụt nguồn cung. Số liệu từ hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ giảm 11 xuống 720 giàn đang hoạt động trong tuần kết thúc ngày 19/05, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2022. Như vậy, các công ty năng lượng của Mỹ trong tuần này đã cắt giảm số giàn khoan dầu lớn nhất trong một tuần kể từ tháng 9/2021.
Mặc dù kết thúc tuần tăng giá, nhưng giá dầu cũng đã giảm nhẹ trong phiên cuối tuần khi mục tiêu đi đến thỏa thuận tăng trần nợ công tại Mỹ vẫn còn nhiều bất đồng. Do đó, trong tuần này, giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng từ những biến động vĩ mô.
Ở diễn biến khác, giá khí tự nhiên tăng vọt hơn 11% trong tuần qua. Tổng sản lượng điện gió tại Mỹ đã giảm xuống chỉ còn 7% tổng lượng điện năng so với mức cao gần đây là 17%. Do đó, nhu cầu khí đốt bổ sung để sản xuất điện tăng cao, với lượng điện năng này đã đạt 43% trong tuần trước, tăng từ mức chỉ 37% trước đó.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Giá dầu WTI quay đầu trở lại sau khi chạm kháng cự vùng 73,5 USD/thùng, và xuống dưới hỗ trợ 71,7 USD/thùng. Giá đang test lại vùng giá này, và cũng đang ở bên dưới cạnh giữa của dải Bollinger Band, nên nhiều khả năng đà giảm sẽ tiếp tục và hướng giá dầu xuống vùng 70 USD/thùng. Nhà đầu tư có thể mở bán tại vùng 71,7 USD với kỳ vọng chốt lời tại 70,2 USD. Cắt lỗ khi giá lên 72,4 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)
Giá dầu giảm 3 ngày liên tiếp(23/05/2024)