Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/04, giá dầu gần như đã xoá bỏ hoàn toàn mức tăng đột biến hồi đầu tháng 4, thời điểm mà Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) bất ngờ cắt giảm sản lượng. Đây là phiên giảm mạnh hơn 2% thứ hai liên tiếp. Lo ngại về kịch bản suy thoái kinh tế làm giảm nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu đang là nguyên nhân chủ đạo khiến giá dầu lao dốc trong các phiên gần đây.
Cụ thể, dầu WTI giảm 2,36% xuống 77,37 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 3. Dầu Brent giảm 2,43% xuống mức 81,10 USD/thùng.
Lực bán được thúc đẩy ngay từ phiên sáng khi lo ngại 25 điểm lãi suất sẽ được bổ sung trong kỳ họp tháng 5 sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể làm gia tăng rủi ro suy thoái.
Các dữ liệu kinh tế của Mỹ cũng đã củng cố cho lo ngại này. Cụ thể, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu đã tăng 5.000 lên mức 245.000 trong tuần kết thúc vào ngày 15/4, cao hơn ước tính của các chuyên gia kinh tế, theo dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ.
Doanh số bán nhà trong tháng 3 cũng giảm 110.000 so với tháng trước, xuống 4,44 triệu căn hộ. Chỉ số sản xuất Fed Philadelphia cũng rơi xuống -31,2 điểm trong tháng trước, thấp nhất kể từ đại dịch Covid-19.
Loạt dữ liệu tiêu cực này đã thúc đẩy lực bán mạnh đối với dầu thô trên thị trường.
Về mặt cung cầu, Trung Quốc có thể cắt giảm hạn ngạch xuất khẩu các sản phẩm dầu tinh chế trong đợt thứ hai cho năm 2023. Việc giảm xuất khẩu các sản phẩm dầu từ nhà máy lọc dầu lớn thứ hai thế giới có thể đang phản ánh tình trạng thừa cung trên thị trường dầu khí, vốn đã khiến biên lợi nhuận lọc dầu của châu Á giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng.
Đợt hạn ngạch thứ hai đối với xuất khẩu xăng, dầu gas và nhiên liệu máy bay có thể nằm trong khoảng từ 8 triệu đến 12 triệu tấn theo cuộc khảo sát từ Reuters. Trong quý đầu tiên, xuất khẩu các loại nhiên liệu này đạt tổng cộng 12,88 triệu tấn, tương đương khoảng 68% hạn ngạch đợt đầu tiên.
Thị trường xăng dầu ở châu Á cũng đang suy yếu nhanh chóng trong mùa cao điểm của khu vực. Lợi nhuận từ việc sản xuất xăng từ dầu thô đã giảm hơn một nửa ở Singapore trong tháng qua xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12.
Về phía cung, lượng dầu bốc dỡ từ các cảng phía tây của Nga trong tháng 4 có thể sẽ tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2019, đạt trên 2.4 triệu thùng/ngày, bất chấp tuyên bố cắt giảm sản lượng, các nguồn tin giao dịch và vận chuyển cho biết.
Nhu cầu suy yếu, lo ngại suy thoái gia tăng, trong khi nguồn cung tạm thời vẫn đang đảm bảo đã thúc đẩy lực bán mạnh mẽ trên thị trường dầu.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Khối lượng giao dịch gia tăng với lực bán mạnh mẽ ngày càng được thúc đẩy, nhiều khả năng giá dầu sẽ lấp gap, tức là hướng tới mục tiêu 76 USD. Giá dầu WTI kỳ hạn tháng 6 hiện đã vượt qua cạnh giữa dải Bollinger band trên khung Daily. Tuy nhiên, RSI trên khung H4 đang ở sát vùng quá bán, khả năng dầu sẽ hồi lên trước khi tiếp đà giảm. Nhà đầu tư có thể mở bán tại vùng 78 – 78.5 USD với kỳ vọng chốt lời tại 76 – 76.2 USD. Cắt lỗ tại 79.2 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)