Dầu thô diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch hôm qua, với giá dầu WTI tăng 0,14% lên 102,19 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 0,42% xuống 106,8 USD/thùng khi thị trường vất vả trong việc tìm hướng đi.
Thị trường dầu tiếp nối những phiên giao dịch biến động, với giá giằng co mạnh xung quanh vùng tham chiếu. Bất chấp đà phục hồi trong phiên sáng, khi tâm lý các nhà đầu tư dần bình ổn trước dự báo tăng trưởng kinh tế giảm tốc, theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.
Các thông tin mới nhất từ Trung tâm Tin tức Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam cho biết tác động của các cuộc biểu tình tại Libya ngày càng trở nên trầm trọng, với con số ước tính thiệt hại tăng từ 400.000 thùng/ngày lên đến khoảng 550.000 thùng/ngày. Con số này chiếm đến khoảng 50% tổng sản lượng dầu của Libya, cho thấy mức độ nghiêm trọng của sự bất ổn trong tình trạng quốc gia OPEC tại Bắc Phi hiện nay. Đây là thông tin hỗ trợ tâm lý thị trường trong vùng giá cao trên 100 USD/thùng hiện tại.
Tuy vậy, giá phần nào gặp lực cản trước các tin tức Nga đang gấp rút chào bán các hợp đồng dầu có khối lượng và giá trị lớn cho các khách hàng châu Á và châu Âu. Mặc dù một số chính khách châu Âu ủng hộ việc ngừng nhập khẩu dầu từ Nga, tính đến hiện tại, khối Liên minh châu Âu EU vẫn chưa có thời gian cụ thể để tung ra gói trừng phạt thứ 6, mà vẫn đang cân nhắc và đánh giá tác động của các lệnh cấm vận lên kinh tế. Điều này phần nào khiến cho giá Brent gặp áp lực lớn hơn. Áp lực lạm phát cũng khiến cho lực mua khó tăng mạnh, do các lo ngại về vùng giá “hủy diệt nhu cầu” đang lớn dần lên khi giá cả tăng cao, đang buộc nhiều ngân hàng trung ương phải cân nhắc tăng mạnh lãi suất.
Trong khi đó, dầu WTI vẫn được hưởng lợi sau báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA cho thấy tuần trước tồn kho dầu thô thương mại tại Mỹ tuần kết thúc ngày 15/04 giảm mạnh đến 8 triệu thùng, ngược với dự báo tăng 2,5 triệu thùng của giới phân tích. Nguyên nhân không chỉ đến từ nhu cầu tiêu thụ nội địa tăng, mà còn do khối lượng xuất khẩu dầu thô của Mỹ đã tăng đến mức kỷ lục, khi các quốc gia nỗ lực tìm kiếm nguồn cung thay thế cho các sản phẩm từ Nga.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Về mặt kỹ thuật, giá dầu WTI tháng 06/2022 vẫn đang nhận được hỗ trợ tại vùng 102 USD/thùng và hình thành kháng cự tại vùng 104 USD/thùng. Các chỉ số kỹ thuật như RSI và MACD chuyển sang đi ngang khi thị trường chưa tìm kiếm được động lực để bứt phá khoảng giao dịch. Tuy vậy, với các yếu tố hiện tại, xác suất giá tăng đang cao hơn, do đó nên canh mua khi giá ở gần vùng hỗ trợ 100 USD/thùng, và kỳ vọng chốt lời ngắn 1-1,5 USD/thùng.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)
Giá dầu giảm 3 ngày liên tiếp(23/05/2024)