Lực bán chiếm ưu thế trong ngày giao dịch 19/06 của mặt hàng dầu thô đã khiến giá dầu kết phiên trong sắc đỏ sau 2 ngày tăng giá liên tiếp trước đó. Sự không chắc chắn về đà phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc và nguồn cung tại nhiều quốc gia sản xuất gia tăng trở lại đã tạo ra rào cản đối với đà phục hồi của giá dầu. Giá dầu WTI chốt phiên ở mức 71,35 USD/thùng sau khi giảm 0,81%. Giá dầu Brent giảm 0,68% xuống 76,09 USD/thùng.
Một số ngân hàng lớn đã cắt giảm dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 của Trung Quốc. Ngân hàng lớn của Nhật Bản Nomura đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc từ 5,5% xuống 5,1% trong năm nay, sau động thái tương tự của Ngân hàng UBS, Standard Chartered, Bank of America và JPMorgan. Các ngân hàng hiện kỳ vọng tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ nằm trong khoảng từ 5,1% - 5,7% trong năm 2023, giảm so với mức 5,5% - 6,3% trước đó.
Triển vọng tăng trưởng kém sắc hơn tại quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn thứ 2 trên thế giới Trung Quốc đã gây áp lực tới giá dầu. Theo ước tính từ Reuters, Trung Quốc đã bổ sung vào các kho dự trữ dầu thô với tốc độ nhanh nhất trong gần 3 năm vào tháng 5, do nhập khẩu mạnh vượt trội so với hoạt động chế biến gần của nhà máy lọc dầu.
Tổng cộng 1,77 triệu thùng mỗi ngày (bpd) đã được bổ sung vào kho dự trữ trong tháng 5, mức cao nhất kể từ tháng 7/2020, và trái ngược với mức giảm hiếm hoi 340.000 thùng/ngày trong tháng 4.
Tuy nhiên, điều đó cũng thúc đẩy Chính phủ nước này có thêm nhiều các biện pháp kích thích kinh tế. Sau khi hạ lãi suất cho vay trung hạn (MLF) 10 điểm cơ bản vào tuần trước, gần như chắc chắn Trung Quốc sẽ giảm lãi suất cơ bản (LPR), cho vay tiêu dùng, đầu tư, hay các khoản vay thế chấp vào ngày hôm nay. Kỳ vọng này đã hạn chế mức giảm của giá dầu trong phiên.
Về yếu tố cung cầu, xuất khẩu dầu thô của Iran gia tăng bất chấp sự tồn tại liên tục của các lệnh trừng phạt từ Mỹ, cũng đã gây áp lực đáng kể cho giá dầu. Cụ thể, xuất khẩu dầu mỏ của quốc gia này đã tăng gấp đôi kể từ cuối năm ngoái lên khoảng 1,6 triệu thùng/ngày trong tháng 5. Sự gia tăng doanh số bán hàng là một ví dụ khác về việc Iran tái khẳng định mình trên thị trường hàng hóa toàn cầu.
Ngoài ra, một phái đoàn năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ và các quan chức dầu mỏ của Iraq đã gặp nhau tại Baghdad vào thứ Hai để thảo luận về việc nối lại hoạt động xuất khẩu dầu ở miền Bắc của Iraq, vốn ảnh hưởng tới khoảng 450,000 thùng dầu/ngày trước đó.
Sự gia tăng sản lượng tại một số nước trong nhóm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) khiến cho nỗ lực cắt giảm nguồn cung tự nguyện của nhiều quốc gia còn lại ít có tác động hỗ trợ giá dầu.
Đối với Nga, các cơ sở lọc dầu đã xử lý 5,49 triệu thùng dầu thô/ngày trong tuần kết thúc vào ngày 14/06, cao hơn gần 194,000 thùng/ngày so với tuần trước đó. Nguồn cung dầu thô cho các nhà máy lọc dầu ở Nga gia tăng, cùng với khối lượng xuất khẩu bằng đường biển ổn định, vẫn khiến thị trường hoài nghi về cam kết cắt giảm sản lượng tại Nga.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Về mặt kỹ thuật, giá dầu sẽ giằng co quanh mức 71,3 USD trước khi xác định xu hướng trong ngày hôm nay. Việc phá vỡ vùng 71 USD sẽ đưa giá dầu về vùng hỗ trợ trendline 70,3 – 70,5 USD và cũng là cạnh giữa dải Bollinger Band khung H4, nhưng sẽ khó xuống dưới ngưỡng này. Các nhà đầu tư có thể đợi giá về vùng 70,6 USD và mở mua với kỳ vọng chốt lời tại 72,5 USD. Cắt lỗ 69,7 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)