Giá dầu phục hồi sau hai phiên giảm khi các nhà đầu tư lạc quan hơn về triển vọng tiêu thụ tại Trung Quốc, nhà nhập khẩu số một thế giới. Kết thúc phiên giao dịch 19/12, giá dầu thô WTI tăng 1,24% lên 75,38 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,96% lên 79,8 USD/thùng.
Tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương Trung Quốc kết thúc vào ngày thứ sáu tuần trước, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cùng với các nhà lãnh đạo cấp cao đã kêu gọi tăng cường chính sách hỗ trợ để thực hiện mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế trong năm 2023 sắp tới. Theo Bloomberg, các nhà hoạch định chính sách có thể nhắm tới mục tiêu tăng trưởng 5%, sau khi nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới chỉ có thể tăng trưởng 3% trong năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Động thái này, kết hợp với việc nới lỏng các hạn chế chống dịch trong nhiều tuần vừa qua, đã củng cố cho kỳ vọng của các nhà đầu tư rằng Trung Quốc sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ trong năm 2023 sắp tới, và thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cũng như giá dầu thô.
Hiện nay, khả năng gia tăng nguồn cung khá hạn chế, khi mà Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) cắt giảm sản lượng, cùng với nguy cơ sản lượng của Nga bị hao hụt khi phải đối mặt với các gói trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).
Áp lực bổ sung nguồn cung hiện đang đè nặng lên Mỹ, nhà sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới, tuy nhiên, dù xuất khẩu nhiều, nhưng Mỹ vẫn chưa thể trở thành nhà xuất khẩu ròng đối với dầu thô. Theo Reuters, xuất khẩu dầu thô của Mỹ hiện đã chạm mức kỷ lục 3,4 triệu thùng/ngày, bởi nhu cầu thay thế nguồn cung từ Nga của các nước đối tác gia tăng, sau khi xung đột ở khu vực biển Đen nổ ra.
Bức tranh cung cầu hiện nay chỉ ra rằng, nếu Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động tăng trưởng kinh tế, nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng nhanh hơn so với tốc độ gia tăng nguồn cung. Mỹ hiện đã lên kế hoạch mua lại 3 triệu thùng dầu để bổ sung vào kho dự trữ chiến lược (SPR), tuy nhiên đây là một con số rất khiêm tốn so với con số 180 triệu thùng trong kế hoạch giải phóng.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Về mặt kỹ thuật, trên khung H4, giá dầu WTI vẫn chưa vượt qua cạnh giữa của Bollinger Band, tương đương mức kháng cự 76 USD/thùng. Chỉ số RSI khả tiêu cực khi dần hướng xuống và có thể test lại mức 50 điểm. Độ rủi ro của thị trường tăng lên, và đà phục hồi của phiên hôm qua không quá bền vững, khi khối lượng giao dịch giảm và các nhà đầu tư ở phương Tây sắp bước vào kỳ nghỉ lễ cuối năm.
Nhà đầu tư có thể canh bán trong biên độ nhỏ từ 76,1 USD, với kỳ vọng chốt lời ở mức 75,2 USD, cắt lỗ khi giá vượt 76,4 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)
Giá dầu giảm 3 ngày liên tiếp(23/05/2024)
Bản tin MXV Năng lượng 19/12: Đà phục hồi của giá dầu từ các phiên đầu tuần liên tục bị ngăn chặn bởi áp lực vĩ mô gia tăng(19/12/2022)