Giá dầu thô thế giới giảm tuần thứ hai liên tiếp với hợp đồng dầu thô WTI tháng 8 giảm 6,87% về 97,59 USD/thùng, hợp đồng dầu thô Brent tháng 9 giảm 5,48% về 101,16 USD/thùng. Sức ép bán áp đảo trên thị trường trước một loạt các tin tức vĩ mô tiêu cực và các báo cáo quan trọng của nhiều tổ chức lớn.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)và chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 6 của Mỹ được công bố đều tăng vượt dự báo, trong bối cảnh chi phí hàng hoá, đặc biệt là giá năng lượng leo thang. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được kỳ vọng sẽ mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ, bằng việc tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 7 sắp tới để kiềm chế lạm phát đang cao nhất trong vòng bốn thập kỷ ở Mỹ.
Chỉ số Dollar Index, đo lường sức mạnh của đồng USD, cũng tăng vọt lên 108,06 điểm trong tuần vừa rồi, và gây sức ép trực tiếp lên giá dầu. Bên cạnh đó, các động thái quyết liệt của Fed làm dấy lên lo ngại về việc nền kinh tế Mỹ, tệ hơn là nền kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái. Một mặt, triển vọng tiêu thụ dầu toàn cầu trở nên kém khả quan hơn, mặt khác, các nhà đầu tư hiện có xu hướng bán các loại tài sản rủi ro như dầu thô, để nâng tỷ trọng tiền mặt và dịch chuyển tài sản sang các kênh khác an toàn như trái phiếu Chính phủ Mỹ.
Những rủi ro về suy thoái hiện là sức ép mạnh nhất đối với thị trường dầu, khiến cho tâm lý các nhà đầu tư tiêu cực và ngần ngại trong việc gia tăng sức bán, ngay cả khi số liệu từ các báo cáo tháng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tích cực. OPEC đã đưa ra ước tính cho nhu cầu tiêu thụ của năm 2023 là 102,99 triệu thùng, mức cao nhất từ trước tới nay. Trái lại, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế có phần thận trọng hơn với các dự báo về nhu cầu, trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô đều không tích cực.
Đáng chú ý, báo cáo tuần của EIA cho thấy nhu cầu tiêu thụ xăng tại Mỹ đã có dấu hiệu suy yếu trong tuần kết thúc ngày 8/7, phản ánh việc người tiêu dùng bắt đầu cắt giảm nhu cầu do giá năng lượng đã tăng quá mạnh.
Về phía nguồn cung, báo cáo của OPEC chỉ ra rằng nếu nhu cầu tiêu thụ dầu vẫn tăng, gánh nặng về nguồn cung sẽ tăng lên đối với các thành viên, nhất là trong bối cảnh Mỹ khó có thể gia tăng sản lượng, còn nguồn cung từ Nga bị gián đoạn vì các lệnh cấm vận. Hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ chỉ tăng 4 lên 756 giàn trong tuần kết thúc ngày 15/7, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020. Tuy nhiên mức tăng một chữ số tiếp tục cho thấy những khó khăn trong việc gia tăng sản lượng dầu của Mỹ.
Cuối tuần vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có chuyến công du đến Arab Saudi để kêu gọi OPEC gia tăng sản lượng. Tuy nhiên, chưa có bất kỳ cam kết mới nào được đưa ra, thay vào đó, không chỉ Mỹ mà các nhà đầu tư cũng phải chờ đợi đến cuộc họp OPEC+ vào ngày 3/8 sắp tới để nắm bắt bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách sản lượng của nhóm.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Về mặt kỹ thuật, giá đang giằng co quanh khu vực 97,3 USD/thùng. Trên biểu đồ ngày, MACD vẫn đang ở vùng âm trong khi RSI vẫn chưa khôi phục lên vùng 50. Xác suất giá giảm điều chỉnh trong phiên sáng đang cao hơn. Giá có thể sẽ test lại vùng 95,8 trong hôm nay. Có thể mở vị thế bán khi giá ở khu vực 97,3-97,5 USD/thùng, kỳ vọng chốt lời 1-2 USD/thùng.
TIN KHÁC
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)
Bản tin MXV Năng lượng 14/07: Giá dầu thô tiếp tục gặp sức ép trước tin tức lạm phát và các báo cáo lớn(14/07/2022)
Bản tin MXV Năng lượng 13/07: Giá 2 mặt hàng dầu thô đánh mất mốc 100 USD/thùng lần đầu trong 3 tháng(13/07/2022)