Bản tin MXV Năng lượng 17/08: Áp lực kinh tế vĩ mô lấn át lo ngại cung cầu, giá dầu giảm phiên thứ 3 liên tiếp
02:05 SA @ Thứ Năm - 17 Tháng Tám, 2023

Lo ngại về các điều kiện vĩ mô tại hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, đã tạm thời lấn át rủi ro về nguồn cung, kéo giá dầu nối dài đà giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp. Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/08, giá dầu WTI đánh mất mốc 80 USD/thùng sau khi giảm gần 2%, chốt phiên tại mức giá 79,38 USD/thùng. Giá dầu Brent giảm 1,7% xuống 83,45 USD/thùng.

Giá dầu biến động giằng co với biên độ hẹp trong nửa đầu phiên giao dịch, và áp lực bán xuất hiện nhiều hơn vào cuối phiên khi các nhà đầu tư thận trọng đánh giá Biên bản cuộc họp lãi suất ngày 26/07 của Uỷ ban Thị trường mở liên bang (FOMC) công bố đêm qua.

Mặc dù có một số các quan điểm trái chiều về kế hoạch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong thời gian tới. Tuy nhiên, Biên bản ghi chú rằng “Hầu hết những người tham gia tiếp tục nhận thấy rủi ro tăng đáng kể đối với lạm phát, điều này có thể đòi hỏi phải thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ”.

Sau khi Biên bản được công bố, đồng USD tăng giá, lợi suất trái phiếu tăng và thị trường rủi ro như chứng khoán giảm điểm, phản ánh tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư trong bối cảnh lãi suất vẫn có khả năng tăng, hoặc neo ở mức cao trong thời gian dài.

Công cụ theo dõi Fed Watch cho thấy tỷ lệ cho rằng Fed tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 9 tăng từ 10% lên hơn 13%. Điều này cũng đã gây sức ép tới giá dầu trong phiên, bất chấp dữ liệu từ Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo tồn kho giảm.

Cụ thể, EIA cho biết tồn kho dầu thô thương mại Mỹ giảm gần 6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 11/08, khá sát với dữ liệu từ Viện Dầu khi Mỹ (API) trước đó. Xuất khẩu thô của Mỹ trong tuần trước đã tăng mạnh trở lại, trong khi nhập khẩu tiếp tục duy trì ở mức cao, phản ánh nhu cầu nội địa và nhu cầu thế giới đối với dầu Mỹ gia tăng.

Tuy nhiên, sản lượng dầu của Mỹ cũng tiếp tục tăng mạnh thêm 100.000 thùng/ngày trong tuần trước, đạt 12,7 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ cuối tháng 3/2020. Điều này góp phần bù đắp cho sự thiếu hụt trên thị trường và thúc đẩy lực bán trên thị trường.

Bên cạnh đó, quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Iran đã đạt được một bước vài bước đột phá nhỏ, làm gia tăng kỳ vọng một phần dầu thô từ Iran có thể quay lại thị trường sau những lệnh trừng phạt liên quan tới thoả thuận hạt nhân.

Góp phần làm gia tăng sức ép bán, một loạt các Ngân hàng lớn vào hôm qua đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới, sau loạt dữ liệu yếu kém. Ngân hàng JPMorgan đã hạ dự báo tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2023 của Trung Quốc xuống 4,8% từ mức 6,4% hồi tháng 5. Con số sẽ chỉ còn 4,2% vào năm 2024 và điều đó sẽ khiến quốc gia này có 3 năm đầu tiên liên tiếp tăng trưởng dưới 5% kể từ thời Mao Trạch Đông.

Tập đoàn tài chính Barclays hạ ước tính tăng trưởng GDP của Trung Quốc xuống còn 4,5% cho năm nay, giảm 0,4 điểm phần trăm so với lần dự báo trước. Tập đoàn cho vay lớn của Nhật Bản, Mizuho Financial Group, cũng giảm dự báo tăng trưởng GDP cả năm nay của Trung Quốc xuống còn 5% từ 5,5%.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Giá dầu đã phá vỡ vùng hỗ trợ mạnh 80 USD và hoàn thành mục tiêu chinh phục mức hỗ trợ 78,7 USD. Xu hướng giảm điều chỉnh rất rõ ràng.
Trên khung H4, RSI đang ở dưới ngưỡng 30. Chỉ báo dao động Stochastic tiếp tục ở sâu dưới ngưỡng 20. Việc giá dầu ở vùng hỗ trợ 78,5 – 78,7 USD sẽ có thể xuất hiện tâm lý bắt đáy đẩy giá kiểm tra lại cạnh giữa của dải Bollinger Band và vùng kháng cự 80 USD, trước khi tiếp tục các mức giảm với mục tiêu tiếp theo ở vùng 77,5 USD.

Các nhà đầu tư có thể đợi giá hồi lên vùng 80 – 80,5 USD và mở bán. Lưu ý việc vi phạm trên vùng 81 USD.

Nguồn: