Bản tin MXV Năng lượng 17/01: Giá dầu giảm phiên thứ ba liên tiếp trước sự tăng vọt của đồng USD
08:49 SA @ Thứ Tư - 17 Tháng Giêng, 2024

Kết thúc ngày giao dịch 16/1, giá dầu ghi nhận phiên giảm thứ ba liên tiếp do đồng USD tăng vọt hạn chế sức mua so với các đồng tiền thương mại khác. Ngoài ra, nguồn cung từ Nga tiếp tục gia tăng trong bối cảnh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) bắt đầu thực hiện cắt giảm sản lượng gần 2,2 triệu thùng/ngày theo thỏa thuận mới nhất, cũng góp phần gây áp lực lên giá dầu. 

Chốt phiên, giá dầu WTI giảm 0,37% xuống 72,52 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent không thay đổi so với mức tham chiếu khi vẫn duy trì ở mức 78,29 USD/thùng.

Chỉ số Dollar Index, thước đo giá trị đồng USD, đã tăng 0,93% lên 103,36 điểm, mức cao nhất trong vòng 1 tháng. Bình luận diều hâu từ Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Christopher Waller đã giảm bớt kỳ vọng của thị trường về khả năng FED sẽ hạ lãi suất vào tháng 3. Ông cho biết mặc dù Mỹ đang ở trong khoảng cách ấn tượng với mục tiêu lạm phát 2% của FED, nhưng FED không nên vội vàng cắt giảm lãi suất chuẩn cho đến khi lạm phát thấp hơn được duy trì một cách bền vững. Lo ngại lãi suất duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn đã thúc đẩy đồng USD tăng mạnh và đè nặng lên giá dầu.

Về phía nguồn cung, Nga đã tăng cường xuất khẩu dầu thô bằng đường biển trong giai đoạn cuối tháng 12/2023 và đầu tháng 1/2024, với hầu hết lượng hàng hóa đến châu Á từ các cảng phương Tây tiếp tục đi qua tuyến đường Kênh đào Suez và Biển Đỏ, bất chấp căng thẳng trong khu vực. Theo dữ liệu của Bloomberg, xuất khẩu dầu thô của Nga đạt trung bình 3,43 triệu thùng/ngày trong 4 tuần tính đến ngày 14/1, tăng 94.000 thùng/ngày so với mức trung bình 4 tuần tính đến ngày 7/1. Riêng trong tuần tính đến ngày 14/1, xuất khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển đã tăng 166.000 thùng/ngày lên 3,45 triệu thùng/ngày.

Ở một diễn biến khác, giá khí tự nhiên giảm gần 13% xuống mức thấp nhất trong 1 tuần do dự báo nhu cầu giảm khi thời tiết ấm hơn vào cuối tháng 1. Reuters dự báo nhu cầu khí đốt của Mỹ tại 48 bang, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ giảm từ 154,1 tỷ feet khối trong tuần này xuống 138,8 tỷ feet khối vào tuần tới.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Lực mua gia tăng khi giá rơi về hỗ trợ là đường trendline tăng ngắn hạn màu hồng, hình thành mẫu hình nến spinning top, phản ánh sự giằng co giữa lực mua và lực bán. Diễn biến giá tương đối giằng co trong vùng 71 - 73 USD. Mốc 72 USD vẫn đóng vai trò là vùng hỗ trợ quan trọng của giá dầu. Tuy nhiên, trên khung 4H, áp lực bán tiếp tục duy trì, giá có xu hướng giảm về hỗ trợ 70 – 70,5 USD, đồng thời là đường trendline tăng ngắn hạn. Nhìn chung, biên độ giá dao động khá hẹp, nhà đầu tư nên đứng ngoài quan sát và theo dõi thêm tín hiệu kỹ thuật từ giá. 


Nguồn: