Giá dầu giảm tuần thứ 3 liên tiếp, khi rủi ro về suy thoái gia tăng trên thị trường, đặc biệt trước một loạt tín cảnh báo của các tổ chức về khả năng suy thoái kinh tế thế giới dẫn theo sự sụt giảm trong tiêu thụ dầu thô. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch 12/09-18/09, giá dầu WTI giảm 1,94% xuống 85,11 USD/thùng trong khi giá dầu Brent giảm 1,6% xuống 91,35 USD/thùng.
Trong tuần, giá dầu giằng co mạnh, thị trường chứng kiến đà tăng trong các phiên đầu tuần, khi thị trường kỳ vọng lạm phát tại Mỹ sẽ cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt từ đỉnh. Tuy vậy, số liệu CPI tháng 8 đạt 8,3% cao hơn kỳ vọng 8,1% của thị trường, đã tạo sức ép lớn đối với giá dầu trong tuần. Hiện tại, phần lớn các nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm lần thứ 3 liên tiếp, trong nỗ lực kiểm soát giá cả. Chỉ số Dollar Index đã tăng tuần thứ 4 liên tiếp khiến cho thị trường hàng hóa, đặc biệt là nhóm năng lượng, chịu lực bán lớn.
Các sự cố về nguồn cung như lo ngại về đình công của ngành đường sắt tại Mỹ và sự cố tràn dầu tại cảng xuất khẩu của Iraq được giải quyết cũng khiến cho lo ngại về sự thiếu hụt nguồn cung giảm bớt. Đặc biệt, hiện tại, số giàn khoan dầu tại Mỹ đã tăng trở lại 8 lên 599 trong tuần kết thúc ngày 16/09, sau 2 tuần sụt giảm liên tiếp.
Trong khi đó, trong báo cáo tháng 9, cả Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA đều cảnh báo nhu cầu tiêu thụ dầu trong quý IV nhiều khả năng sẽ chững lại, trước một loạt các sức ép, đặc biệt là do Trung Quốc có khả năng lần đầu tiên chấm dứt chuỗi tăng trưởng tiêu thụ kéo dài trong vòng 20 năm. Qũy Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng thế giới World Bank cảnh báo về suy thoái kinh tế thế giới cũng khiến cho tâm lý thị trường chung suy yếu.
Rạng sáng ngày hôm nay, giá dầu đang tăng trở lại khi Trung Quốc chấm dứt đợt phong tỏa tại thành phố 21 triệu dân Thành Đô. Mặc dù cư dân vẫn sẽ phải thường xuyên test Covid-19, tuy nhiên đây cũng đã là tín hiệu đáng mừng cho phe mua. Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị gia tăng, với Đức có khả năng sẽ quốc hữu hóa một số chi nhánh dầu khí của Nga, trong khi Tổng thống Nga Putin cho biết châu Âu nên gỡ bỏ các lệnh trừng phạt lên đường ống Nord Stream 2 nếu muốn có thêm nguồn cung cũng là một yếu tố hỗ trợ giá dầu.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Trên biểu đồ ngày, giá dầu đóng cửa phiên tuần trước với một nến doji, và đang có tín hiệu thách thức trở lại vùng kháng cự 86 USD/thùng. Tuy vậy, với RSI vẫn đang ở dưới vùng 50 và MACD ở khu vực âm, các nhà đầu tư chỉ nên mở vị thế ngắn hạn. Có thể canh mua khi giá ở vùng 85,5 và kỳ vọng chốt lời tại 86,5 – 87 USD/thùng.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)
Giá dầu giảm 3 ngày liên tiếp(23/05/2024)