Dầu thô phục hồi trong tuần vừa qua khi các tin tức hỗ trợ cho giá xuất hiện nhiều hơn và sức ép từ các yếu tố vĩ mô giảm bớt. Kết thúc tuần 08 – 14/08, hợp đồng dầu thô WTI kỳ hạn tháng 9 tăng 3,46% lên 92,09 USD/thùng, hợp đồng dầu thô Brent kỳ hạn tháng 10 cũng tăng 3,40% lên 98,15 USD/thùng.
Lạm phát ở cả Trung Quốc và Mỹ đang hạ nhiệt cũng làm giảm bớt những lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế trên toàn cầu và mang lại cho nhà đầu tư nhiều hy vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ “nhẹ tay” hơn trong công cuộc tăng lãi suất. Đồng USD suy yếu, phản ánh qua việc chỉ số Dollar Index giảm về 105,63 điểm, nhưng lại giúp cho giá dầu tăng vì chi phí đầu tư cũng như kinh doanh hàng vật chất giảm xuống.
Nếu như trong những tuần gần đây, giá dầu chịu tác động nhiều hơn từ yếu tố vĩ mô, thì trong tuần vừa qua chất xúc tác chính với đà tăng của giá dầu nằm ở những yếu tố về cung cầu. Các báo cáo tháng của cả ba tổ chức uy tín trong ngành dầu khí bao gồm Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), dù vẫn còn các quan điểm không đồng nhất, nhưng vẫn mang lại những tác động tích cực nhất định với giá dầu.
EIA ước tính nhu cầu tiêu thụ xăng dầu toàn cầu tăng 2,1 triệu thùng/ngày trong năm nay và năm tới, nhưng hạ dự báo sản lượng dầu của Mỹ trong năm nay, về mức trung bình 11,86 triệu thùng/ngày, mức dự báo thấp nhất kể từ báo cáo hồi tháng 1.
Báo cáo tháng của IEA cũng có cùng quan điểm với EIA khi điều chỉnh nhu cầu dầu thô toàn cầu tăng 380.000 thùng/ngày lên 2,1 triệu thùng/ngày, đồng thời giảm dự báo nguồn cung cho khu vực Bắc Mỹ.
Trái lại, OPEC đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu vào năm 2022, còn 3,1 triệu thùng/ngày, giảm 260.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. Cũng trong báo cáo, OPEC chỉ ra thị trường dầu mỏ có thể sẽ thặng dư trong quý III, khi triển vọng nhu cầu kém đi.
Mặc dù vậy, thị trường vẫn phản ứng mạnh mẽ hơn với các tin tức tích cực, và gần như bỏ qua các tác động từ báo cáo của OPEC. Bên cạnh đó, một loạt sự cố đối với các hệ thống đường ống dẫn dầu ở Châu Âu và Mỹ đã khiến cho sức mua trên thị trường dầu cũng được cải thiện rất nhiều trong tuần vừa qua. Tuy nhiên, giá dầu hạ nhiệt trong phiên cuối tuần, khi mà những sự cố này đã được khắc phục, cùng với việc thị trường kỳ vọng vào việc đàm phán hạt nhân giữa phương Tây và Iran có tiến triển.
Công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết số lượng giàn khoan dầu khí tại Mỹ giảm 1 xuống 763 giàn trong tuần kết thúc 12/08. Đây tiếp tục là tín hiệu cho thấy nguồn cung dầu của Mỹ vẫn chưa thể hồi phục một cách ổn định.
Trong sáng nay, Trung Quốc sẽ công bố một loạt các số liệu kinh tế của tháng 7 như sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ. Nhiều khả năng, đây sẽ là một chất xúc tác với thị trường dầu trong phiên sáng.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Giá dầu WTI giảm khi gặp cạnh giữa của Bollinger Band. Từ giữa tháng 6 tới nay, giá vẫn chỉ dao động ở nửa dưới, cộng với việc chỉ số RSI và MACD vẫn hướng xuống và chưa cho thấy tín hiệu giá có thể bứt phá lên. Xác suất giảm hiện vẫn đang cao hơn. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên đợi số liệu kinh tế của Trung Quốc công bố rồi mới tiến hành giao dịch. Trong kịch bản tiêu cực, nhà đầu tư có thể mở vị thế bán từ 92 với kỳ vọng chốt lời ở mức 89 USD.
TIN KHÁC
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)
Giá dầu giảm 3 ngày liên tiếp(23/05/2024)
Bản tin MXV Năng lượng 12/08: Giá dầu nối dài đà tăng nhờ sự hỗ trợ từ báo cáo tháng của các tổ chức lớn và lo ngại do vụ rò rỉ dầu ở Vịnh Mehico(12/08/2022)