Giá dầu biến động tương đối giằng co trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 14/08, trước khi kết thúc với mức giảm nhẹ so với phiên trước đó. Lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm chạm của Trung Quốc đã gây áp lực cho giá dầu, nhưng rủi ro thâm hụt vẫn khiến giá neo ở mức cao so với trung bình năm nay.
Kết phiên, giá dầu WTI giảm 0,82% xuống 82,51 USD/thùng và dầu Brent giảm 0,69% xuống 86,21 USD/thùng.
Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới đang đối mặt với những rủi ro trên thị trường tài chính khi một số nhà phát triển bất động sản, đặc biệt là Tập đoàn Country Garden Holdings đứng trước nguy cơ vỡ nợ do chậm thanh toán hai lô trái phiếu. Tập đoàn này có quy mô lớn hơn cả Evergrande, vốn đã gây ra sự suy yếu trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc 2 năm trước.
Một phần, thông tin này hạn chế tâm lý rủi ro của các nhà đầu tư. Mặt khác, tăng trưởng kinh tế không đảm bảo tại Trung Quốc cũng sẽ kéo theo sự thu hẹp trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ các nguyên liệu đầu vào, bao gồm dầu thô.
Ngoài ra, một số tín hiệu tích cực hơn về nguồn cung trong bối cảnh rủi ro thâm hụt tiềm ẩn, cũng đã góp phần hạ nhiệt giá dầu trong phiên.
Xuất khẩu dầu thô tại Forcados thuộc Nigeria, quốc gia thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), đã được nối lại vào cuối tuần qua. Trước đó, kế hoạch vận chuyển và xuất khẩu khoảng 220.000 thùng dầu thô loại ngọt mỗi ngày của Nigeria đã bị ảnh hưởng vào hồi đầu tháng 7, khi dòng chảy xuất khẩu của quốc gia Tây Phi này bị đình chỉ do nguy cơ rò rỉ đối với đường ống vận chuyển.
Xuất khẩu dầu thô của Iran đã vượt quá mức dự kiến trong ngân sách nhà nước cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2024 ở mức hơn 1,4 triệu thùng/ngày. Trước đó, nguồn cung từ Iran bị hạn chế khi Mỹ rút khỏi thoả thuận hạt nhân Iran và khôi phục các lệnh cấm vận dưới thời Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, căng thẳng đã giảm bớt dưới thời Tổng thống Joe Biden, và dòng chảy dầu của Iran trở lại cũng sẽ góp phần làm giảm áp lực nguồn cung.
Ngoài ra, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran, Javad Owji, cho biết sản lượng dầu của Iran sẽ tăng 110.000 thùng/ngày lên mức 3,3 triệu thùng/ngày vào 22/8, theo một báo cáo của Thông tấn xã Cộng hòa Hồi giáo Nhà nước đưa tin vào cuối tuần qua.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Việc giá dầu phá vỡ kênh xu hướng hiện tại vẫn chưa quá rõ ràng. Giá vẫn rút chân lại khi chạm vùng kháng cự 81,8 USD. Tuy nhiên, trên khung H4, giá dầu đã tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước, di chuyển trong nửa dưới của dải Bollinger Band.
Chỉ báo dao động Stochastic cho thấy 2 đường %K và %D đều có xu hướng hướng xuống. RSI cũng đang hướng xuống từ vùng quá mua.
Việc phá vỡ vùng hỗ trợ quan trọng 81,8 USD sẽ đẩy giá xuống vùng 80,6 – 80,8 USD. Trong khi việc giá vượt vùng kháng cự 83,5 USD sẽ kéo dầu quay lại kênh tăng vững chắc và chinh phục vùng 85 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)