Sau khi đón nhận lực mua tích cực trong nửa đầu ngày giao dịch ngày 14/06, giá dầu đã đảo chiều giảm mạnh trở lại trong phiên tối và kết phiên trong sắc đỏ. Giá dầu WTI đánh mất mốc 70 USD/thùng, giảm 1,66% xuống 68,27 USD/thùng. Dầu Brent chốt phiên với mức giá 73,2 USD/thùng sau khi giảm 1,47%.
Báo cáo của Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy mức tồn kho dầu thô thương mại Mỹ bất ngờ tăng vọt, làm dấy lên lo ngại về sự suy yếu của nhu cầu, kéo giá dầu sụt giảm mạnh. Ngoài ra, cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra thông điệp lãi suất có thể chưa đạt đỉnh, cũng góp phần thúc đẩy lực bán.
Vào hôm qua ngày 14/06, Trung Quốc đã ban hành đợt hạn ngạch nhập khẩu dầu thô năm 2023 lần thứ 3, nâng tổng khối lượng trong nửa đầu năm nay lên 194,1 triệu tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thô thế giới năm 2023 thêm 200,000 thùng/ngày lên mức kỷ lục 102,3 triệu thùng/ngày, chủ yếu do vai trò tiêu thụ từ Trung Quốc. Điều này nới rộng mức thâm hụt nguồn cung trong năm nay thêm 230,000 thùng/ngày so với báo cáo tháng 5, lên mức 1 triệu thùng/ngày.
Thông tin này đã hỗ trợ giá dầu WTI vượt mốc 70 USD/thùng trong phiên sáng. Tuy nhiên, cơ quan này dự kiến áp lực kinh tế sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng nhu cầu trong năm sau chỉ bằng 50% so với 2 năm trước.
Đáng chú ý, đà tăng của giá dầu hoàn toàn bị xoá bỏ trong phiên tối sau báo cáo của EIA. Cụ thể, cơ quan này cho biết dự trữ dầu thô thương mại của Mỹ (không bao gồm dự trữ chiến lược) đã tăng mạnh 7,9 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 09/06. Con số này gấp hơn 7 lần so với dữ liệu từ Viện dầu khí độc lập (API) và trái ngược dự đoán giảm của thị trường. Tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất đồng loạt tăng 2,1 triệu thùng.
Dữ liệu phản ánh nhu cầu tiêu thụ tại Mỹ khá yếu trong bối cảnh mùa lái xe cao điểm bắt đầu diễn ra, gây sức ép mạnh cho giá dầu ngay sau thời điểm phát hành báo cáo.
Ngân hàng JPMorgan cũng đã hạ dự báo giá dầu thô Brent trung bình năm nay từ 90 USD xuống còn 81 USD/thùng.
Góp phần vào đà giảm giá dầu, cuộc họp của Fed vào đêm qua mặc dù đi đến quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,00 – 5,25% như dự kiến, nhưng cảnh báo lãi suất vẫn có thể tiếp tục tăng trong các kỳ họp tiếp theo, khiến rủi ro suy thoái tiềm ẩn.
Trong số 18 nhà hoạch định chính sách, 12 quan chức cho rằng lãi suất bằng hoặc cao hơn phạm vi trung bình từ 5,5% đến 5,75%, cho thấy hầu hết các nhà hoạch định đều đồng ý cần thắt chặt tiền tệ hơn nữa để kiềm chế áp lực giá cả.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Các nhà giao dịch dầu thô WTI nên mở vị thế hợp đồng tháng 8 do hợp đồng kỳ hạn tháng 7 sắp tới ngày đáo hạn.
Về mặt kỹ thuật, trên khung H4, giá dầu đang di chuyển theo đà giảm trong một mô hình tam giác và chưa có dấu hiệu phá vỡ khỏi mô hình này. Giá trượt xuống dưới cạnh giữa dải Bollinger Band, nhiều khả năng sẽ test lại kháng cự 69,2 – 69,5 USD trước khi mở rộng đà giảm về vùng 67,8 USD. Sáng nay, Trung Quốc sẽ báo cáo hàng loạt dữ liệu kinh tế quan trọng mới. Nếu dữ liệu tiêu cực, giá hoàn toàn có thể trở về vùng này. Các nhà đầu tư có thể mở vị thế bán vùng 69,2 USD với kỳ vọng chốt lời tại 68 USD. Cắt lỗ 69,9 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)