Bản tin MXV Năng lượng 14/09: Giá dầu gặp áp lực nhẹ khi tồn kho xăng dầu của Mỹ tăng cao
01:51 SA @ Thứ Năm - 14 Tháng Chín, 2023

Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/09, giá dầu giảm nhẹ chủ yếu do báo cáo hàng tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho xăng dầu Mỹ tăng mạnh hơn dự báo trong tuần qua. Điều này phản ánh nhu cầu có dấu hiệu chững lại khi Mỹ đang ở cuối mùa tiêu thụ cao điểm, gây sức ép bán cho giá dầu.

Cụ thể, giá dầu WTI giảm từ đỉnh 10 tháng, chốt phiên với mức giá 88,52 USD/thùng sau khi giảm 0,36%. Giá dầu Brent giảm 0,2% xuống 91,88 USD/thùng.

EIA cho thấy dự trữ dầu thô thương mại của Mỹ (không bao gồm dự trữ chiến lược) đã tăng mạnh 4 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 8/9, nâng tồn kho lên mức 420,6 triệu thùng. Trong khi đó, tồn kho xăng và sản phẩm chưng cất trong tuần trước cũng ghi nhận mức tăng mạnh lần lượt 5,6 triệu thùng và 3,9 triệu thùng, cao hơn so với dự báo của thị trường.

Nhập khẩu dầu thô của Mỹ trong tuần trước tiếp tục ghi nhận sự gia tăng trong khi xuất khẩu chấm dứt đà tăng liên tiếp trước đó. Xuất khẩu dầu thô của Mỹ trong tuần trước giảm 1,84 triệu thùng/ngày xuống mức 3,09 triệu thùng/ngày. Điều này phản ánh sự suy giảm trong nhu cầu thế giới đối với dầu thô của Mỹ trong tuần qua, thúc đẩy lực bán nhẹ trên thị trường.

Ngoài ra, thông tin về 4 cảng dầu lớn ở Libya đã mở cửa trở lại sau khi đóng cửa vào cuối tuần qua do một cơn bão mạnh, cũng đã góp phần tạo sức ép tới giá dầu.

Báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy tăng trưởng nhu cầu dầu thô thế giới trong quý 4 đã được điều chỉnh giảm 600.000 thùng/ngày. Qua đó, EIA cũng hạ dự báo nhu cầu dầu thô trung bình năm 2023 là 400.000 thùng/ngày so với báo cáo tháng 8 trước đó, xuống còn 101,8 triệu thùng/ngày.

IEA ước tính thị trường sẽ thâm hụt khoảng 300.000 thùng/ngày trong năm nay, giảm so với ước tính thâm hụt 700.000 thùng/ngày trong báo cáo tháng 8 do nguồn cung từ Mỹ, Iran bù đắp cho dòng chảy hạn chế của Saudi Arabia. Thông tin này cũng đã góp phần hạn chế đà tăng của giá dầu.

Tuy nhiên, Các nhà phân tích của Bank of America cho biết việc tiếp tục cắt giảm nguồn cung có thể nâng giá dầu Brent kỳ hạn lên trên ngưỡng 100 USD/thùng trước cuối năm nay.

Về yếu tố vĩ mô, Dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 8/2023 của Mỹ tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 0,1% so với dự báo của các chuyên gia kinh tế và mức tăng 3,2% trong tháng 7. Lạm phát quay trở lại có thể khiến Fed tiếp tục duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn dự kiến, gây áp lực trở lại cho nền kinh tế.

Tín hiệu tích cực là lạm phát lõi tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 8, củng cố cho việc Fed tạm thời giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp ngày 21/9 sắp tới.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Trên khung D1, giá dầu được xác nhận đóng cửa ở trên mức 88 USD/thùng, đây cũng là mức hỗ trợ quan trọng của xu hướng tăng sau khi đã xác nhận phá vỡ trong phiên hôm trước đó.

Các lo ngại thiếu hụt nguồn cung vẫn đang là những yếu tố thúc đẩy giá dầu tăng hiện tại, mặc dù đã có những dấu hiệu chững lại trong phiên hôm qua nhưng giá vẫn được giao dịch ở trên ngưỡng hỗ trợ 88 USD/thùng do đó động lực tăng giá vẫn đang được duy trì.

Trên khung H4, đã xuất hiện các tín hiệu bán trong ngắn hạn nhưng giá vẫn được duy trì ở trên vùng hỗ trợ nhạy cảm 88 USD/thùng, cùng với đó chỉ báo MACD hiện tại đang ở trong vùng đi ngang thể hiện sự thận trọng của thị trường. Nhà đầu tư cần thận trọng hơn trong các giao dịch ở thời điểm này.

Nguồn: