Bản tin MXV Năng lượng 11/05: Giá dầu giảm trước nhiều thông tin vĩ mô và cung cầu trái chiều
03:08 SA @ Thứ Năm - 11 Tháng Năm, 2023

Sắc đỏ quay lại thị trường dầu sau ba phiên tăng liên tiếp với giá dầu thô WTI giảm 1,56% về 72,56 USD/thùng, giá dầu thô Brent đóng cửa giảm 1,33% về 76,41 USD/thùng.

Sức ép bán xuất hiện ngay từ đầu phiên sáng khi báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho biết tồn kho dầu thô thương mại Mỹ tăng 3,6 triệu thùng, sau ba tuần giảm liên tiếp. Thị trường sau đó hướng sự chú ý vào Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ.

Phần lớn các chỉ số CPI được công bố đều không tiêu cực hơn so với dự đoán trước đó. Cụ thể, CPI và CPI lõi (trừ năng lượng và thực phẩm) đều tăng 0,4% so với tháng 3. Đáng chú ý, CPI tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với dự báo 0,1%.

Các số liệu cho thấy lạm phát hạ nhiệt và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ kết thúc chu kỳ tăng lãi suất. Đồng USD vì thế cũng chịu sức ép, phản ánh qua việc chỉ số Dollar Index giảm về 101,48 điểm.

Giá dầu hồi phục nhẹ với kỳ vọng tiêu thụ sẽ được cải thiện khi nền kinh tế sẽ bớt chịu áp lực do các đợt tăng lãi suất. Tuy nhiên, sau đó sức bán quay trở lại thị trường khi các số liệu trái chiều từ báo cáo tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) được công bố.

Tồn kho dầu thô thương mại tăng 3 triệu thùng, cao hơn so với dự báo giảm 1 triệu thùng trước đó là yếu tố chính khiến cho giá chịu sức ép trong phiên hôm qua. Xuất khẩu dầu thô của Mỹ cũng giảm gần 40% trong tuần kết thúc ngày 05/05 về 2,7 triệu thùng/ngày. Điều này có thể phản ánh nhu cầu tiêu thụ dầu từ các đối tác của Mỹ đang yếu đi.

Mặc dù vậy, giá dầu phục hồi vào cuối phiên khi các nhà đầu tư đánh giá lại các tín hiệu tích cực khác từ báo cáo EIA. Tồn kho xăng và dầu trong tuần kết thúc ngày 05/05 giảm lần lượt 3,2 và 4,2 triệu thùng. Bên cạnh đó, tổng sản phẩm được cung cấp, thước đo phản ánh tiêu thụ thực tế, tăng mạnh lên 20,1 triệu thùng/ngày, và cao hơn mức trung bình bốn tuần liên tiếp là 19,9 triệu thùng. Sự sụt giảm của giá dầu thô đã bị hạn chế bởi nhu cầu nhiên liệu tăng vọt trước mùa lái xe cao điểm vào mùa hè.

Một số thông tin khác mà các nhà đầu tư cần theo dõi trong thời gian tới bao gồm sản lượng dầu của Venezuela và phản ứng của Mỹ đối với đợt cắt giảm gần đây của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC+). Tập đoàn Chevron của Mỹ đang có kế hoạch thúc đẩy sản lượng dầu thô tại Venezuela lên tới 160.000 thùng/ngày trong năm nay và khoảng 200.000 thùng/ngày vào năm 2024.

Mới đây, Ủy ban Tư pháp Hạ viện đã được thiết lập để xem xét một dự luật để gây áp lực và tác động OPEC ngừng thực hiện cắt giảm sản lượng, bởi điều này có thể ảnh hưởng đến người dẫn Mỹ, vốn đang có nhu cầu đi lại cao trong thời điểm này.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Giá dầu dù chịu sức ép bán nhưng vẫn rút chân rất tốt ở mức hỗ trợ 71,5 USD. Khối lượng giao dịch tăng trong phiên giảm giá hôm qua là một yếu tố tương đối tiêu cực với thị trường. Mặc dù vậy, sức bán của phiên hôm qua nhiều khả năng do tâm lý chốt lời, nhà đầu tư có thể mở vị thế mua dưới mức 72,2 USD, với kỳ vọng chốt lời ở mức 74,5 USD. Cắt lõ khi giá giảm dưới 71,5 USD.

Nguồn: